Mỗi đợt phá bàu như thế thu hút hàng ngàn bà con S’tiêng xuống đồng bắt cá cùng với đó là tiếng cồng, chiêng nổi lên rộn ràng cả vùng quê.
Ngày nay, cùng với sự thay đổi của điều kiện thiên nhiên, nhiều địa phương không còn duy trì Lễ hội phá bàu. Theo đó, việc tổ chức Lễ hội phá bàu nhằm duy trì cách đánh bắt cá truyền thống, để đồng bào các dân tộc gần xa có dịp giao lưu, trao đổi, gắn kết tinh thần đoàn kết cộng đồng, giáo dục thế hệ con cháu về bản sắc dân tộc.
Vào những ngày cuối tháng 3/2019 dương lịch, tại xã Quang Minh, huyện Chơn Thành (Bình Phước), Lễ phá Bàu Vàng đã được tái hiện lại. Ngay từ rất sớm, hàng trăm người dân là đồng bào dân tộc S’tiêng và nhiều dân tộc anh em khác từ các xã Quang Minh, Tân Quan, Phước An, Minh Lập, Nha Bích đã cùng nhau tập trung về khu vực Bàu Vàng, thuộc ấp Sóc Ruộng 1, xã Quang Minh để tham gia Lễ hội phá bàu.
Thời điểm bắt đầu Lễ phá bàu là lúc tiếng cồng chiêng vang lên báo hiệu lễ hội chính thức được bắt đầu. Đối với đồng bào dân tộc S’tiêng, cồng chiêng được coi là vật linh thiêng, là bản sắc văn hóa của cộng đồng. Từ bao đời nay, cồng chiêng luôn gắn bó mật thiết trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, nghi lễ, lễ hội... Lễ hội phá bàu không thể thiếu được tiếng cồng chiêng để khai hội cũng như âm thanh xuyên suốt lễ.
Già làng Chang Sray Đơ ở ấp Tranh 3, xã Quang Minh cho biết: Tôi cũng không biết Lễ hội phá bàu có từ bao giờ nữa, chỉ biết rằng từ lúc còn nhỏ đã có Lễ hội này. Trước đây, dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng Lễ hội tổ chức rất vui, đồng bào từ khắp nơi đến: người mang gùi; người cầm dao, rựa; người đem theo cái nôm, cái giỏ đựng cá… Người bắt cá, người vui chơi, người ăn uống, nhưng chỉ xung quanh bàu thôi, rất vui. Truyền thống phá bàu hồi xưa mỗi năm làm một lần, không sót năm nào, dù mưa dù gió cũng phải đi.
Nét độc đáo nhất trong Lễ hội là nghi lễ phá bàu, tức là người dân già, trẻ, gái, trai cùng nhau mang những dụng cụ nơm, đó, vó, chài, lưới, thau, thùng xuống bàu bắt cá. Theo quan niệm của dân tộc S’tiêng, nếu ai bắt được cá to và nhiều cá có nghĩa là sẽ gặp được nhiều điều tốt đẹp, may mắn trong năm. Vì thế, không chỉ đồng bào S’tiêng, rất đông người dân thuộc các tộc anh em cùng chung sống ở các xã Quang Minh, Tân Quang, Phước An, Minh Lập, Nha Bích đã cùng nhau tham gia và xuống bàu bắt cá.
Đến với Lễ hội phá bàu, mỗi người có niềm vui và cảm nhận khác nhau. Bà Vương Thị Hoàng Uyên, ấp Sóc Ruộng 1, xã Tân Quan phấn khởi cho biết: “Nghe người ta nói đi phá bàu, nhưng tôi không biết phá bàu như thế nào. Tới đây, tôi thấy lễ rất vui, lâu lắm rồi mới thấy tổ chức lễ. Tôi là người dân tộc Kinh nhưng thấy cảnh này tôi rất thích vì anh em từ các ấp lâu lâu mới hội tụ về Bàu Vàng để tái hiện lễ ông bà xưa đã để lại”.
Em Chu Thị Nghĩa, ấp Bàu Teng, xã Quang Minh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được bắt cá dưới bàu, em thấy rất vui vì vừa được bắt cá vừa tham gia lễ hội. Em mong chính quyền các cấp năm nào cũng tổ chức để người dân tham gia, bản sắc độc đáo đồng bào dân tộc thiểu số được nhiều người biết đến hơn”.
Lễ hội được tái hiện không chỉ để bắt cá, mà còn là hoạt động thể hiện tình đoàn kết cộng đồng người dân sâu sắc, là dịp để người dân cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong làm ăn, sản xuất và giao lưu tình cảm gia đình, bạn bè tình yêu đôi lứa. Dù năm nay đã 67 tuổi, nhưng khi nghe nói đến Lễ hội phá bàu tổ chức tại Bàu Vàng, bà Thị Nhương ở ấp Xạc Lây, xã Tân Quan vẫn tỏ ra khá hào hứng. Cùng với người bạn già của mình và các vật dụng như: gùi, nôm, rỗ… để xuống bàu bắt cá, bà Thị Nhương, ấp Xạc Lây cho biết: “Bữa nay, khách khứa xa gần cũng đến phá bàu thấy đông vui nên tôi cũng tham gia. Lần này thấy cũng vui vì có nhiều trẻ con tham gia, chứ hồi xưa đa số là người lớn tuổi tham gia phá bàu thôi”.
Ngoài tham gia bắt cá, được thưởng thức các giai điệu cồng chiêng, người dân, du khách còn được uống rượu cần, thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào S’tiêng. Để lễ hội thực sự là ngày hội của toàn dân, năm nay, xã Quang Minh còn tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ người dân và du khách gần xa.
Ông Vũ Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: “Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào S’tiêng đã có từ lâu đời. Chính vì vậy, Đảng ủy, chính quyền địa phương muốn duy trì Lễ hội này để thế hệ sau biết được, hiểu được lễ hội của cha ông ngày xưa. Qua một năm lao động vất vả, việc tổ chức Lễ hội là để tạo cho bà con, thanh thiếu niên vui chơi tại Bàu Vàng. Trước đây, Lễ phá bàu chỉ có làm lễ và bắt cá thôi, bây giờ tổ chức thêm các hoạt động văn nghệ, thể thao để đồng bào các địa phương giao lưu, vui chơi, tập luyện thể thao”.
Có thể nói, nét đặc sắc từ Lễ hội phá Bàu Vàng không chỉ có giá trị về mặt tinh thần, phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng mà còn góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới tại địa phương.