Viếng Đền Bà chúa Sao

Chúng tôi về viếng đền thờ và lăng mộ bà Nguyễn Thị Duệ (1574-1654), nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, tại núi Phượng Hoàng, thuộc phường Văn An, thành phố Chí Linh, Hải Dương. Khu đền và lăng mộ bà từ lâu là một địa chỉ tâm linh thu hút du khách.

Chú thích ảnh
Đền thờ và lăng mộ bà Nguyễn Thị Duệ (1574-1654 ), nữ tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Cuộc đời tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ là một câu chuyện đẹp, độc nhất vô nhị về một người phụ nữ Việt Nam tài giỏi, dám vượt qua những khuôn khổ chặt chẽ của chế độ phong kiến trước đây. Bà nổi tiếng thông minh, tài sắc vẹn toàn . Bà giả trai đi thi và đỗ tiến sĩ thời nhà Mạc, khoa thi Hội năm 1594, khi bà tròn 20 tuổi. Đây là nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử khoa bảng nước ta thời trước.

Chuyện kể rằng, khi tiếp các tân khoa, vua Mạc Kính Cung nhìn dáng vẻ của tân tiến sĩ với tên giả nam là Nguyễn Du đã phát hiện ra Nguyễn Thị Duệ. Mến mộ tài năng của bà, Nhà Vua không những tha tội khi quân mà còn trọng dụng, cho vào cung dạy các cung cẩn mỹ nữ, tuyển bà làm phi, đặt tên cho bà là "Tinh Phi" (Sao Sa), có ý khen bà xinh đẹp và sáng tựa một vì sao. Vì thế trong dân gian gọi bà là "Bà chúa Sao".

Chú thích ảnh
Đền thờ và lăng mộ bà Nguyễn Thị Duệ nằm trên núi Phượng Hoàng.

Khi quân Lê - Trịnh lên Cao Bằng diệt nhà Mạc (1625), bà Nguyễn Thị Duệ bị quân lính bắt. Vì mến mộ tài năng của bà, chúa Trịnh vẫn vời bà ở dạy học trong vương phủ. Bà rất quan tâm đến việc dạy học, thi cử, tự tay chấm các kỳ thi, xin triều đình ruộng đất để canh tác, lấy hoa lợi giúp các thí sinh nghèo. Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ còn dành thời gian gặp gỡ các nhân sĩ, đi tìm hiểu tình hình ở nhiều nơi, từ đấy có các kiến nghị về chính sách với triều đình. Bà đã được phong tước “Chiêu nghi” do những công lao đóng góp của mình.

Năm 70 tuổi, Nguyễn Thị Duệ xin về nghỉ nơi quê nhà. Bà sống gắn bó với người dân quê hương, dành phẩn lớn số bổng lộc vua ban để giúp người nghèo, dựng am đọc sách và dạy sĩ tử trong vùng. Bà mất năm 81 tuổi, được người dân lập đển thờ và tôn là phúc thần.

Chú thích ảnh
Đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ được xây liền bên lăng mộ của bà.

Đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ được xây liền bên lăng mộ của bà; bao quanh là núi Phượng Hoàng, địa thế linh thiêng. Đền đã được xếp hạng di tích quốc gia, qua một số lần trùng tu, khá khang trang; khu tháp mộ cũng vừa được người dân góp phần xây dựng lại. Đền xây theo hình chữ Đinh, có nhiều hình chạm khắc rất đẹp.

Tượng tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ được đặt trong hậu cung, nơi có câu đối ca ngợi công đức và tài sắc vẹn toàn của bà: “Sắc nước hương trời nghìn xưa còn ngưỡng mộ. Linh thiêng đức lớn muôn đời tỏa ánh hào quang”.

Chú thích ảnh
Khu đền và lăng mộ bà Chúa Sao Nguyễn Thị Duệ là một địa chỉ của Chí Linh Bát Cổ, một vùng văn hóa địa linh nhân kiệt.

Khu đền và lăng mộ bà Chúa Sao Nguyễn Thị Duệ là một địa chỉ của Chí Linh Bát Cổ, một vùng văn hoá địa linh nhân kiệt với các địa danh mãi là niểm tự hào lịch sử. Bà cũng là một trong tám vị đại khoa của vùng đất Hải Dương được dựng tượng đồng tại khu Văn Miếu Mao Điền.

Viếng đền thờ và lăng mộ bà Chúa Sao, thêm một lần ngưỡng mộ và cảm phục vị nữ tiến sĩ đầu tiên, một trong những hình ảnh rất tiêu biểu cho đức độ, tài năng và vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dân tộc.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài, thành phố Chí Linh
Khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài, thành phố Chí Linh

Chiều 14/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức động thổ khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài thuộc phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN