Trồng cây ngắn ngày thay thế rừng phòng hộ, đặc dụng liệu có hiệu quả?

Liên quan tới việc Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh Đắk Nông cho vay gần 17 tỷ đồng để trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang các dự án thủy điện, phóng viên TTXVN đã làm việc với các doanh nghiệp được vay vốn và các ngành chức năng liên quan để tìm hiểu về hiệu quả kinh tế, môi trường của chương trình này. 

Chú thích ảnh
Rừng keo lai hàng chục hecta trên lâm phần của Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy tại xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông sẽ được khai thác trắng vào các năm 2022 - 2023. 

Ông Trần Thanh Hùng, Đội trưởng Đội quản lý, bảo vệ rừng, Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy cho biết, diện tích keo lai trồng từ nguồn vốn vay trồng rừng thay thế của Công ty đã được 4 năm tuổi. Dự kiến đến khoảng năm thứ 7 (tức năm 2023) là Công ty bắt đầu khai thác trắng. Với đặc tính sinh trưởng của cây keo lai và điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương, nếu để lâu hơn cây dễ bị gãy đổ vào mùa mưa bão và nếu không được cắt dọn kịp thời sẽ dễ xảy ra cháy rừng vào mùa khô.

Theo ông Vũ Văn Thạnh, Phó Phòng Lâm nghiệp, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai, Công ty đăng ký vay vốn từ chương trình trồng rừng thay thế sau khi được ngành chức năng tỉnh Đắk Nông thông báo về chương trình vào năm 2016. Mục tiêu của Công ty là phát triển vùng nguyên liệu giấy. Toàn bộ lâm phần được giao cho Công ty quản lý được quy hoạch là rừng sản xuất và mục tiêu trồng keo lai cũng là trồng rừng sản xuất. 

Chú thích ảnh
Rừng keo lai 4 năm tuổi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai tại xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. 

Hiện giá bán keo lai tới kỳ khai thác khoảng từ 60 - 65 triệu đồng/ha (đơn vị thu mua tự khai thác, vận chuyển). Tổng chi phí từ khi trồng cho đến khi khai thác hơn 50 triệu đồng/ha nên lợi nhuận không nhiều. Nhất là trong bối cảnh người dân di cư không theo quy hoạch lấn chiếm đất rừng rất phức tạp. Chi phí cho việc phòng cháy chữa cháy hàng năm là khá lớn.

Ông Hoàng Ngọc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Lâm cho rằng, hiệu quả kinh tế từ việc trồng keo lai tại tỉnh Đắk Nông là không lớn. Nguyên do là hệ thống đường sá tại địa phương khó khăn, địa hình đồi dốc, đoạn đường vận chuyển đến các nhà máy thu mua, chế biến gỗ keo lai tại Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh là quá xa nên phát sinh thêm rất nhiều chi phí. Đây là những điều kiện khách quan mà Công ty không tính được hết khi triển khai các dự án trồng keo lai tại Đắk Nông.

Theo hồ sơ thiết kế trồng rừng đã được ngành chức năng tỉnh Đắk Nông phê duyệt, tổng số tiền đầu tư cho mỗi ha keo lai (theo chương trình cho vay trồng rừng thay thế)  từ khi trồng cho đến khi khai thác khoảng 75 triệu đồng; trong đó, vốn vay từ nguồn vốn trồng rừng thay thế chiếm khoảng 40%, tức mỗi ha được cho vay khoảng 30 triệu đồng. Phần còn lại là nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp.

Như vậy, đối chiếu giá cả thị trường với tổng mức đầu tư của các dự án trồng keo lai từ nguồn vốn trồng rừng thay thế cho thấy, hiệu quả kinh tế của các dự án trên khá thấp. Đó là đối với các đơn vị trồng rừng bài bản, hiệu quả. Còn các đơn vị trồng nhưng không giữ được rừng, như trường hợp Công ty TNHH Bảo Lâm (vốn chỉ còn khoảng 45% diện tích thành rừng) thì rõ ràng là không có hiệu quả. Thậm chí, là lợi nhuận âm và phần vốn Nhà nước cho vay có nguy cơ không thu hồi được.

Bên cạnh đó, một lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Nông thừa nhận, nhìn ở góc độ môi trường, tác dụng phòng hộ, giữ nước, hạn chế xói mòn, sạt lở đất của cây keo lai còn thua cả các loại cây công nghiệp như cao su, điều… Việc trồng thuần loài cây keo lai, sau đó lên lộ trình khai thác trắng sau 7 năm là coi như không có tác dụng thay thế rừng phòng hộ, đặc dụng. 

Theo một đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông, từ khi thành lập tỉnh Đắk Nông (2004) đến nay, chỉ có Ngân hàng Chính sách Xã hội có chương trình cho vay với lãi suất 0%, đối tượng cho vay là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Việc cho vay với lãi suất như trên chủ yếu là vấn đề an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Chú thích ảnh
Theo kế hoạch, rừng keo lai sẽ được khai thác trắng sau 7 năm trồng, chăm sóc. Trong khi nguồn vốn của chương trình là vốn trồng rừng thay thế rừng phòng hộ, đặc dụng đã chuyển đổi mục đích sang các dự án thủy điện. 

Về mức lãi suất 0% trong thời hạn 7 năm đối với chương trình cho vay trồng rừng từ nguồn vốn trồng rừng thay thế có gì bất thường, hay ưu đãi quá nhiều hay không và việc áp dụng lãi suất như trên căn cứ theo các quy định nào, một lãnh đạo Quỹ Đầu tư Phát triển Đắk Nông cho biết, việc ấn định lãi suất nêu trên là theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông tại cuộc họp giao ban ngày 15/6/2016.

Theo thông báo số 64/TB-UBND, ngày 15/6/2016 của Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông về kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông tại cuộc họp cùng ngày, hình thức cho vay là hỗ trợ lãi suất 0%, tức không tính lãi suất. Thời gian cho vay là một chu kỳ trồng rừng đối với từng loại cây theo quy định. Sau đó, thời gian vay vốn đối với các dự án trồng keo lai được Quỹ Đầu tư Phát triển Đắk Nông ký với các doanh nghiệp là 7 năm.

Theo một số doanh nghiệp trồng rừng tại Đắk Nông, việc định giá mỗi ha keo lai từ khi trồng cho đến khi khai thác khoảng 75 triệu đồng là quá cao. So với giá cả thị trường hiện nay, định giá như vậy là phi kinh tế. Thậm chí, trong một số năm trước, có thời điểm mỗi ha keo lai chỉ bán được khoảng 50 triệu đồng.

Hiện nay, các lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Nông liên quan đến dự án này đều đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Giám đốc Giám đốc Quỹ Đầu tư và Phát triển Đắk Nông liên quan tới dự án này là ông Nguyễn Hải Định đã bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vào tháng 3/2019 do “góp vốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả; vi phạm trong hoạt động cho vay dẫn đến nợ xấu ở mức cao, có khả năng gây mất vốn Nhà nước”.

Như TTXVN đã thông tin, năm 2016, có 4 doanh nghiệp đã được Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh Đắk Nông cho vay gần 17 tỷ đồng để trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang các dự án thủy điện. Sau 4 năm, nhiều diện tích được giải ngân cho vay đã không thành rừng, còn diện tích thành rừng thì sắp tới chu kỳ khai thác trắng, mục tiêu “thay thế diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng đã chuyển đổi sang các công trình thủy điện” cơ bản không đạt.

Phóng viên TTXVN tại Đắk Nông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tin, ảnh: Hưng Thịnh (TTXVN)
Trồng cây ngắn ngày thay thế rừng phòng hộ, đặc dụng
Trồng cây ngắn ngày thay thế rừng phòng hộ, đặc dụng

Năm 2016, có 4 doanh nghiệp được Quỹ Đầu tư và Phát triển tỉnh Đắk Nông cho vay gần 17 tỷ đồng để trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi mục đích sang các dự án thủy điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN