Tiểu phẩm: Giá như

Sau mỗi phi vụ làm ăn thu được “phần trăm” “phết phẩy”, ông sếp nọ lại trầm ngâm tính toán. Suy đi xét lại chán chê, ông mới chia cái phần được kia thành ba miếng bằng nhau.

Miếng thứ nhất ông đặt tên là “quá khứ”. Miếng này ông dự định sẽ chia cho bề tôi cấp dưới. Nói gì thì nói họ chính là những người giúp ông hoàn thành mọi công việc một cách hoàn hảo. Họ xứng đáng được ăn cái miếng “quá khứ” đó.

Miếng thứ hai ông gọi là “hiện tại”. Đương nhiên miếng “hiện tại” này là phần của ông. Hơn ai hết ông là người đứng mũi chịu sào, ông lao tâm khổ tứ, ông năng động sáng tạo, ông phải được hưởng.

Miếng cuối cùng ông gọi là “tương lai”. Miếng này  ông dành để cho cấp trên. Không có anh A, chị B… thì sao con thuyền của ông “thuận buồm xuôi gió”, làm sao mà mỗi phi vụ làm ăn, mỗi đận mở thầu, mỗi lần có dự án, công trình… ông đều được các anh chị ấy tương trợ, giúp đỡ tận tình. Nghĩ đến các anh chị ấy là bổn phận là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ. Hơn nữa đây là cái miếng “đầu tư cho tương lai” đấy.

Mặc dù đã chia ba miếng bằng nhau và nghĩ nên làm như thế. Nhưng vốn sẵn lòng tham cộng thêm tính ích kỷ, thành thử sếp cứ nâng lên đặt xuống, ngắm nghía mãi. Rút cuộc sếp cũng phải đi đến quyết định có nên chia đều ba miếng ấy cho ba đối tượng mà sếp gọi là “quá khứ” “hiện tại” “tương lai”. Lại mất một hồi lâu tính toán cân nhắc, sếp lẩm bẩm; “Quá khứ là cái đã qua. Cái đã qua là cái không cần nữa. Vả lại đám bậu sậu kia rặt một lũ ăn theo, công sức, trí tuệ của chúng đáng gì. Thế thì không thể chia đều được”. Vậy là sếp vặt véo cái miếng “quá khứ” ấy đi một nửa để thêm vào miếng “hiện tại”. Cầm lên tay miếng “tương lai” sếp nhăn mày nhăn mặt, nhíu mày, nhíu mắt, sau rồi sếp lập luận; “ Tương lai là cái chưa tới. Cái chưa tới chẳng biết là ‘dở’  hay “hay”. Mà ở đời mấy ai biết được chính xác ngày mai sẽ như thế nào. Anh A, chị B… đó đành rằng giúp ta được nhiều, nhưng cái ghế họ đang ngồi đâu có là vĩnh cửu. Nay giúp được nhưng mai mốt chắc gì. Vậy thì…” Nghĩ vậy, sếp lại véo phát nữa một miếng “tương lai” bổ sung vào phần “hiện tại”.

Nhưng sếp không lường được hết sự tình. “Quá khứ” rồi “Tương lai” nhận phần bèo bọt họ nghĩ ngay tới cái tham lam của sếp. “Quá khứ” làm việc chểnh mảng, “Tương lai” quan tâm hững hờ. Sếp bỗng nhiên trở thành “đơn thương độc mã”. Ở đời giống tham thường hay bị “thâm”. Sếp bị thâm thật. Ấy là những vấn đề nổi cộm trong kinh doanh, có thất thoát tài sản lớn. Các cơ quan pháp luật sờ gáy, sếp cuống cuồng.  Lúc ấy “Quá khứ” chỉ được miếng bé nên không thương xót. “Tương lai” được ăn không như kỳ vọng nên chẳng dại gì xòe ô che chắn. Pháp luật cứ chiểu theo bộ luật hình sự mà ban cho sếp mấy “quyển lịch”.

Giờ đây nằm trong nhà đá, nhiều đêm sếp lại lẩn thẩn  chia mấy “quyển lịch’ ra làm ba phần. Đặt tên cho mỗi phần là “Quá khứ” “Tương lai” và “Hiện tại” Chia đi chia lại, bốc bên này bỏ bên kia chán chê, sau rồi sếp thở dài thườn thượt: “ Giá như có người hứng hộ cho một phần thì đỡ khổ không nhỉ!”

Có một ông quan tham khác cũng đang thụ án nghe tiếng than vãn , liền thủ thỉ vào tai sếp: “ Nếu được phép nói “giá như” thì ta hãy nói rằng; Giá như hồi đương chức đương quyền ta đừng tham nhũng là có phải còn hay hơn nữa không!”

Sếp thấy phải. Từ đó không chia chác gì nữa.

Đức Hậu
Tiểu phẩm: Làm đúng luật
Tiểu phẩm: Làm đúng luật

Bạn thân của sếp được mệnh danh là “con mọt sách”. Một hôm “Mọt sách” kể cho sếp nghe một cổ chuyện như sau:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN