Tết của những người vợ lính đảo

Không khí rạo rực mùa Xuân đã tràn về trên khắp mọi nẻo đường thành phố biển Đà Nẵng. Trong không khí ấy, có những người phụ nữ vẫn âm thầm dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, chờ đợi người chồng “nơi đầu sóng” trở về. Họ là những người vợ lính hải quân, là hậu phương vững chắc cho những người lính đảo an tâm công tác, giữ gìn bình yên cho biển đảo Tổ Quốc.

Chú thích ảnh
Những chậu quất Tết đã được vận chuyển đến với quân và dân Trường Sa. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN

Chu toàn hậu phương để chồng yên tâm công tác

Trong căn nhà cấp 4 giản dị tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, chị Lê Thị Mai đang cẩn thận lau dọn chiếc tủ kính chứa đầy những món quà Trường Sa. Chồng chị, Đại úy Nguyễn Đăng Sơn (Binh đoàn 11, Vùng 3 Hải Quân) năm nay có lịch trực Tết trên quần đảo Trường Sa nên không về. Ở đảo, sóng điện thoại và mạng internet rất yếu, nên thỉnh thoảng anh mới liên lạc về với gia đình. Mỗi khi nhớ anh, chị Mai và cô con gái 14 tuổi lại mang những vỏ ốc, vỏ sò, những món quà biển của anh ra ngắm...

Chị Mai chia sẻ: "Vợ chồng tôi cưới nhau được 15 năm, đây là năm thứ tư anh Sơn công tác ngoài đảo. Mỗi năm, anh về phép một lần, trong những năm anh đi công tác ngoài đảo thì cũng có một năm được về ăn Tết với vợ con. Nếu anh về thì ngày Tết vui hơn, còn năm nay anh ở lại trực thì vợ chồng sẽ gọi điện chúc mừng nhau qua điện thoại. Vợ chồng nào chẳng muốn gần nhau, nhưng vì hoàn cảnh, khi anh đi vắng tôi cũng hiểu và cố gắng làm thay công việc của người chồng, người cha".

Vợ chồng anh chị có một cô con gái học lớp 8, năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi và đứng đầu lớp, đó là niềm hạnh phúc, động lực lớn nhất của anh chị. “Lúc nào tôi cũng nói với con, bố con là một con người cha vĩ đại, cống hiến hết mình cho Tổ Quốc và luôn yêu thương gia đình. Tôi luôn muốn xây dựng hình ảnh về bố đẹp nhất trong suy nghĩ của con” - chị Mai nói.

Mỗi lần anh gọi điện về, chị đều động viên anh yên tâm công tác, chị lặng lẽ chăm lo chu toàn mọi việc để anh yên tâm công tác. Đồ đạc trong nhà, từ thiết bị điện tử đến ổ điện, ống nước, chị Mai đều tự tìm tòi, sửa chữa, có khi nhà bị dột cũng phải tự mua đồ, trèo lên sửa mái tôn. Nhưng nhà chỉ có 2 mẹ con nên mỗi khi trời mưa bão hay bị ốm đau cũng gặp nhiều khi khăn, khi đó chị luôn nhận được sự giúp đỡ kịp thời của các cấp hội, đoàn thể trong khu vực.

Bà Vũ Thị Thúy Nga, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ 15, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu cho biết: "Là một người phụ nữ, tôi cũng hiểu rõ những khó khăn, vất vả của chị Lê Thị Mai khi một mình nuôi con, chờ chồng đi công tác đảo xa. Hội Phụ nữ phường thường xuyên thăm hỏi, động viên chị Mai và chị cũng rất cố gắng để hoàn thành tốt thiên chức người vợ, người mẹ. Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ mẹ con chị Mai. Thấy căn nhà đã cũ, năm vừa qua Hội phụ nữ phường có ý định hỗ trợ cho chị Mai kinh phí để sửa chữa nhà, nhưng chị Mai đã từ chối và nhường suất hỗ trợ cho hoàn cảnh khác khó khăn hơn mình. Đây là một điều rất đáng quý và chúng tôi rất trân trọng".

Nói về ước mơ dịp đầu Xuân mới, chị Mai tâm sự: "Mình đã quen với việc anh đi công tác nên cũng không gặp khó khăn gì, chỉ mong anh luôn mạnh khỏe, công tác tốt. Mình rất muốn được một lần ra thăm anh ở đảo, để xem tình hình cuộc sống, ăn uống của anh như thế nào. Nhưng cũng chưa có cơ hội, hy vọng rằng sẽ sớm có một ngày được cùng con ra thăm đảo, thăm đơn vị, thăm anh".

Niềm vui khi người lính trở về

Chú thích ảnh
Đoàn công tác và các chiến sĩ trong đảo cùng nhau giao lưu văn nghệ chào đón năm mới. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Cũng bận rộn, vất vả quanh năm như những người vợ lính đảo khác, nhưng năm nay, chị Mai Thị Xuân Diệu (Tổ 43, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đón niềm vui bất ngờ: Năm đầu tiên chồng chị được về nhà ăn Tết, sau 3 năm đóng quân trên đảo.

Chị Diệu và Đại úy Lê Đình Hướng (Trung đoàn 351, Vùng 3 Hải Quân) cưới nhau năm 2012 và đã có hai con nhỏ. Từ ngày anh đi công tác, chị chuyển về ở với ông bà ngoại để ông bà đỡ đần việc trông các cháu. Nhờ vậy, chị có thể vừa đi làm, vừa chăm con, đảm bảo chu toàn việc nhà.

Tết này anh về, gia đình chị Diệu rộn rã hẳn lên, chị vui vẻ nói: “Từ khi nhận nhiệm vụ trên đảo đến nay, chưa năm nào anh ở nhà ăn Tết, mấy mẹ con cứ quanh quẩn đón giao thừa ở nhà rồi gọi điện cho anh, động viên anh cố gắng lo công việc cho tốt, khi nào thuận lợi thì về với vợ con. Tết năm nay anh được đơn vị tạo điều kiện cho về ăn Tết với vợ con, như vậy là mình vui rồi, cũng không mong muốn điều gì hơn.”

Chồng công tác xa, về thăm nhà thì ai cũng vui, nhưng khi anh đi lại trên biển vào mùa mưa bão thì chị Diệu rất lo lắng: "Đợt vừa rồi anh về đây họp, nhưng họp xong được triệu tập ra đảo gấp, đúng hôm có bão lớn, tàu thuyền vào đất liền neo đậu hết thì anh phải ra khơi. Ở nhà vợ con cũng đứng ngồi không yên, đến khi anh gọi điện về nói là đã ra tới đảo an toàn thì tôi mới yên tâm".

Do điều kiện đi lại khó khăn nên khá lâu Đại úy Lê Đình Hướng mới được về phép, có khi 3, 4 tháng, có khi nửa năm về một lần. Vì vậy, mỗi khi có dịp về thăm nhà, anh luôn dành thời gian dạy con học, đưa vợ con đi chơi, dành thời gian quây quần gia đình để bù đắp cho những ngày tháng xa nhau.

Anh Hướng chia sẻ: "Thời bình hay thời chiến, những người vợ lính cũng luôn vất vả, luôn cố gắng chăm lo cho gia đình, con cái để chồng yên tâm công tác. Vì vậy, tôi luôn cố gắng dành sự quan tâm, chăm sóc, bù đắp lại cho vợ con mỗi khi có thể. Không phải chỉ riêng tôi, đối với tất cả các anh em chiến sỹ thì hậu phương luôn là điểm tựa vững chắc để các anh em chiến sỹ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Trong ngôi nhà nhỏ, dưới cành đào, anh Hướng ngồi dạy con học, chị Diệu chuẩn bị bữa cơm dưới bếp, ông bà ngoại bế cháu dỗ dành. Mâm cơm tối được dọn ra, chỉ đơn giản với thịt luộc, cá kho, bánh chưng và bát canh nghi ngút khói. Sự có mặt của người lính đảo đủ làm cho bữa cơm gia đình đầm ấm, vui tươi, phấn khởi cùng nhau đón Tết đến, Xuân về.

Quốc Dũng (TTXVN)
Khánh Hòa tổ chức cầu truyền hình trực tiếp chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa
Khánh Hòa tổ chức cầu truyền hình trực tiếp chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa

Tối 21/1, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (24/3/1930 - 24/3/2020) và tổ chức cầu truyền hình trực tiếp tại 4 điểm cầu: Thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, để chúc Tết Nguyên đán Canh Tý đến cán bộ, quân và dân đang công tác, sinh sống tại huyện đảo Trường Sa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN