Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm liên tục xuất hiện khiến người dân nuôi cá ven sông trắng tay, mất tiền tỉ. Xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Anh Nguyễn Tấn Khoa (29 tuổi, ngụ ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ) cho biết, năm nay, gia đình anh đầu tư hơn 300 triệu đồng để thả cá lăng Hồng Vỹ, chốt, rô giống và có 2.000 con cá lóc nuôi khoảng 2 năm gần đến ngày bán. Từ giữa tháng 5/2024 đến nay, nước sông Vàm Cỏ Đông xuất hiện màu đen, kèm mùi hôi, chảy vào khu nuôi cá khiến trên 90% cá chết trắng. Ước tính tổng thiệt hại con giống, thức ăn trên 450 triệu đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Phước Hải (57 tuổi, ngụ ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ) vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi toàn bộ đàn cá nuôi chết sạch. Cụ thể 12.000 con cá lóc được gia đình ông nuôi từ 1 đến 2 năm; 80 kg cá rô, 20 kg cá điêu hồng, 10 kg cá hường giống đã nuôi và mới thả cũng chết trong đợt nước đen bốc mùi. Ước tính thiệt hại khoảng 245 triệu đồng.
Ông Hải sống bằng nghề nuôi cá trên 20 năm nay, cho rằng nếu nói nguyên nhân khiến nước sông ô nhiễm làm cho cá chết đột ngột như vậy chỉ có xả thải từ các nhà máy, khu công nghiệp. Ông Hải cũng cho biết, hơn chục hộ nuôi cá ở xung quanh khu vực này đều mong muốn ngành chức năng sớm xác định rõ nguyên nhân, có hướng xử lý thỏa đáng, để tránh xảy ra tình trạng tương tự, đe dọa đến sinh kế của bà con.
Trước những phản ánh của hàng chục hộ dân, UBND xã Phước Chỉ đã cử cán bộ trực tiếp đến các hộ nuôi cá để nắm thông tin vụ việc.
Theo thống kê của UBND xã Phước Chỉ, đến nay, có 20 hộ nuôi cá và ốc bươu đen thuộc 4 ấp Phước Hội, Phước Trung, Phước Long và Phước Hòa, bị ảnh hưởng với mức thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ Ngô Văn Bình cho biết, đa số người dân xã Phước Chỉ sống bằng nghề nuôi cá, nuôi ốc, trồng lúa nên nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông ô nhiễm đã gây thiệt hại rất lớn cho họ. Đáng nói, thời điểm này, canh tác lúa đang rất cần nước tưới nhưng do nguồn nước ô nhiễm nên Đảng ủy, UBND xã khuyến cáo bà con tích nước mưa để tưới cho lúa, tránh ảnh hưởng trước mắt và lâu dài đến mùa vụ.
Ông Trần Khắc Phục, Trưởng phòng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh) lý giải, việc nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm nặng là do những cơn mưa đầu mùa cuốn trôi chất gây ô nhiễm từ cống rãnh các khu dân cư ở thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng, thị trấn Gò Dầu, huyện Châu Thành, đổ ra sông.
Cụ thể, qua khảo sát của Phòng Bảo vệ môi trường, những khu vực hạ lưu sông gần các khu dân cư đều bị nước đen và có mùi hôi xuất phát từ nước thải sinh hoạt ở các khu vực như: đoạn Bến Kéo - Bến Đình tiếp nhận nước thải của thị xã Hòa Thành; khu vực Vàm Trảng tiếp nhận nước thải thị trấn Gò Dầu; khu vực cầu An Phước tiếp nhận nước thải của thị xã Trảng Bàng…
Theo ông Phục, tình trạng cá trên sông Vàm Cỏ Đông chết hàng loạt diễn ra gần như quy luật, thường vào thời điểm giao mùa hằng năm (tháng 4, 5). Năm nay, do ảnh hưởng của El-Nino, mùa khô kéo dài cùng nhiệt độ tăng cao, nắng nóng gay gắt kéo theo lượng oxy trong nước hạ thấp hơn so với điều kiện bình thường, lục bình dày đặc, khiến cá bị thiếu oxy. Ngoài ra, người dân sử dụng xung điện đánh bắt; dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu do sản xuất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến môi trường, tác động trực tiếp đến một số loài động thực vật, thủy sinh, trong đó có cá.