Sinh viên 'đau đầu' về thông tin bán hàng trên Facebook phải nộp thuế

Nhiều bạn khởi nghiệp kinh doanh online trên facebook từ những thỏi son handmade, mỹ phẩm thiên nhiên, quần áo, trang sức... để kiếm thêm thu nhập, đóng học phí. Tuy nhiên, với thông tin “bán hàng trên facebook phải đóng thuế”, dường như ai nấy đều cảm thấy hoang mang.

Liệu có vi phạm?

Bạn Bảo Khuê, sinh viên ngành xã hội học – Đại học Văn Hiến TP Hồ Chí Minh hiện đang kinh doanh mỹ phẩm “handmade” (được làm bằng tay) trên mạng xã hội Facebook, cho biết công việc kinh doanh online của bạn bắt đầu từ cuối năm nhất đại học đến đây cũng được hơn 2 năm. Theo Khuê, việc bán hàng online với mục đích duy nhất là rèn luyện kỹ năng viết bài, kỹ năng chụp ảnh, kỹ năng giao tiếp và marketing online. Những kỹ năng đã học từ kinh doanh được các anh chị trong công ty đánh giá khá cao và mang lại nhiều hiệu quả.

Sinh viên bán hàng trên mạng chủ yếu là làm thêm và kiếm thêm tiền để trang trải học phí.

“Một ngày bình quân mình bán được 3-4 đơn hàng, trung bình mỗi tháng mình cũng kiếm lời được 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng. Thế nhưng, nghe thông tin bán hàng trên Facebook cũng phải đóng thuế, mình lo sợ không biết phải khai thuế như thế nào, liệu mình có vi phạm pháp luật gì không nữa. Chắc bán xong đợt hàng này, mình dẹp luôn chứ sợ dính đến pháp luật lắm”, Bảo Khuê chia sẻ.


Bên cạnh đó, không ít bạn sinh viên cho rằng việc bán hàng trên Facebook chỉ đơn thuần là một hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, thay vì tìm kiếm những công việc bán thời gian bị gò bó trong 1 khoảng thời gian nhất định thì các bạn lại lựa chọn cho mình hình thức kinh doanh online trên Facebook, Zalo, hoặc các trang thương mại điện tử, như Sendo, Shopee… vừa có thể kiếm thêm thu nhập, bảo đảm thời gian đến giảng đường đầy đủ và có thể hoàn thành tất cả các bài tập cá nhân và nhóm trên lớp.


Bạn Thảo Nhi, khoa Quản trị kinh doanh Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Vì bán hàng trên Facebook đa số là nhỏ lẻ nên, lợi nhuận thu về không nhiều, nếu mà đóng thuế nữa thì thôi rồi. Hơn nữa, bán hàng trên Facebook chỉ để kiếm thêm thu nhập , 1 tháng chỉ có vài đơn hàng mà phải thêm đóng thuế thì sao sống nổi. Chưa kể, chi phí quảng cáo trên Facebook cũng không nhỏ, môi trường cạnh tranh lớn nữa”.


Còn bạn Phùng Trạch, sinh viên Đại học Văn Lang, cho biết ngày trước khi đi làm thêm ở shop quần áo, chị chủ quy định phải làm theo ca cố định sáng 4 tiếng, trưa 4 tiếng, chiều 4 tiếng, xin nghỉ để đi học thì chủ shop không cho nên thường cúp học. Bên cạnh đó, mỗi lần đi làm về mệt bạn ngủ luôn nên không có thời gian làm bài tập kết quả học tập ngày càng đi xuống. Sau này, công việc ở shop chiếm quá nhiều thời gian nên bạn xin nghỉ làm ở shop quần áo nhưng vẫn xin lấy sỉ quần áo bên shop của chị chủ về bán online trên Facebook.


Vì là bán online, không tốn tiền mặt bằng nên bạn Trạch bán rẻ hơn các shop. Ban đầu, bạn bè chơi Facebook với nhau ủng hộ lẫn nhau, xong rồi người này giới thiệu người kia. “Từ ngày nghỉ làm chuyển qua bán hàng online, em đi học trên trường đều hơn, có thời gian làm bài tập và tiền kiếm được cũng nhiều hơn trước nữa”, Phùng Trạch, chia sẻ.


Liệu có khả quan?


Trên thực tế, việc thu nhập từ bán hàng online trên Facebook không ổn định. Cho là với mức thu nhập cao lắm 100.000.000 đồng/năm, có nghĩa là 1 tháng người kinh doanh online có mức thu từ 7-8 triệu đồng cũng bằng mức lương của nhân viên văn phòng hay cán bộ công nhân viên chức (CBCNVC); chưa kể các khoản chi cho việc quảng cáo Facebook, tiền chi trả cho các nhà vận chuyển hàng hóa, tiền điện thoại tư vấn cho khách hàng…


Như vậy, nếu với mức lương 7.000.000 – 8.000.000 đồng/tháng, CBCNVC, người lao động tại các cơ quan xí nghiệp còn được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội khác từ phía doanh nghiệp như bảo hiểm y tế, tiền thưởng lễ, tết, lương tháng 13… còn đối với những người kinh doanh online trên Facebook thì hoàn toàn không nhận được những phúc lợi xã hội trên.


“Liệu việc thu thuế đối với người kinh doanh online với mức doanh thu 100.000.000 đồng/năm nên được xem xét lại, bởi như thế có vẻ hơi “bóc lột” đối với cá nhân người bán hàng online trên mạng”, Hằng, sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng, bức xúc.


Anh Đinh Quang Huy (thành viên nhóm lập nghiệp cùng shopee), cho biết: “Sẵn sàng nộp thuế kinh doanh trên facebook, nhưng khổ nổi chẳng biết mình thuộc dạng nào, doanh nghiệp thì chẳng phải, thế là hộ kinh doanh cá thể à. Vậy phải nộp thuế hạng mục nào?”. Còn tài khoản Facebook Trúc Quang Nguyễn ( thành viên nhóm lập nghiệp cùng shopee) thì chia sẻ: “Thu thuế như ở nước ngoài thì được, hóa đơn trên 200.000 đồng phải chuyển qua thẻ hết thì còn may ra!”.


Theo những người kinh doanh online, để có thể thực hiện thu thuế kinh doanh đối với người bán hàng trên Facebook, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần đưa ra những quy định rõ ràng, văn bản hướng dẫn cụ thể thì người kinh doanh online có cơ sở để thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế của mình cho đất nước.


Thảo Uyên
Bàn cách đánh thuế người bán hàng trên Facebook
Bàn cách đánh thuế người bán hàng trên Facebook

Để thu được thuế từ những người bán hàng trên Facebook, phía Việt Nam phải làm việc với phía Facebook để họ thực hiện sự hiện diện hợp pháp tại Việt Nam và đề nghị này đã được đưa ra tại buổi làm việc giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Cục thuế Thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN