Mang tre nứa về dựng lớp, đan phên làm bàn học
Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, hệ thống giáo dục của nước ta chưa phát triển rộng khắp như bây giờ. Ở miền Bắc, mỗi tỉnh chỉ duy nhất có một trường Trung học mà nay ta gọi là Trung học phổ thông (từ lớp 5 đến lớp 7 hoặc cao hơn, là có lớp 8 và 9 - theo hệ phổ thông 9 năm như các trường Hùng Vương (Phú Thọ), trường Tân Trào (Tuyên Quang), trường Lương Ngọc Quyến (Bắc Giang), trường Hàn Thuyên (Bắc Ninh), trường Ngô Quyền (Thái Nguyên), và trường Nguyễn Thái Học (Vĩnh Phúc)…
Từ những mái trường này, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành trên các mặt trận, là những chiến sĩ cầm súng trực tiếp anh dũng chiến đấu, không quản hy sinh gia khổ, hoặc trở thành những nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn, nhà chính khách mà trong khuôn khổ bài viết, không hể kể ra hết được…
Năm 1946, trường Nguyễn Thái Học được thành lập, đến năm 1950 chuyển về Làng Han, Ngọc Kỳ, thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nơi giáp ranh với tỉnh Tuyên Quang bởi ngọn núi Sáng, có rừng lâu năm, lá cây bao phủ kín đường đi lối lại. Thầy trò mở đầu năm học bằng việc đào giao thông hào từ đỉnh núi - nơi đặt các lớp học - xẻ chạy ngoằn ngoèo xuống chân núi, để sơ tán khi có máy bay giặc Pháp oanh tạc. Rồi lên rừng đẵn gỗ, mang tre nứa về dựng lớp, đan phên làm bàn học. Khi đó, đội ngũ giáo viên không nhiều, nên các thầy cô phải dạy kiêm nhiệm nhiều lớp, có khi phải dạy nhiều môn thuộc hệ xã hội hay tự nhiên nữa.
Trong không khí của Ngày Nhà giáo Việt Nam, lớp lớp học sinh chúng tôi nay đã trưởng thành, ở những cương vị khác nhau, nhưng đều lưu trong tâm trí mình tình cảm tốt đẹp về các thầy cô. Một hình ảnh mà chúng tôi luôn nhắc đến khi nhớ về mái trường Nguyễn Thái Học là thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Chân.
Thầy Nguyễn Trọng Chân quê gốc tại làng Bưởi, thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội ngày nay. Đưa gia đình theo kháng chiến ngay từ ngày đầu, thầy là Hiệu trưởng của trường, và cũng là giáo viên dạy môn Toán cho các lớp trên.
Với dáng vóc hơi gầy, nước da thầy mai mái có thể vì sốt rét cơn, sinh hoạt kham khổ và gia đình đông con. Thoạt gặp, mọi người dễ có cảm giác ngại ngùng vì cho rằng thầy khô khan, nghiêm khắc. Nhưng, ở bên thầy lâu sẽ hiểu thầy là người không chỉ tâm huyết với nghề mà còn dành sự quan tâm đối với đồng nghiệp như người anh cả trong gia đình.
Dạo ấy, trong trường các gia đình thường có nhiều con cùng theo học tại trường (gia đình tôi có đến 4 chị em học ở đây, một chị học lớp 8, hai chị học lớp 7, còn tôi học lớp 5). Trong số đó, có lẽ chị em chúng tôi gặp hoàn cảnh khó khăn nhất, vì mẹ chúng tôi mất sớm do bệnh khi mới 43 tuổi, bố chúng tôi tuy là người lãnh đạo Tòa án tỉnh, nhưng thường đi công tác xa nhà trong khi các con đều nhỏ tuổi. Thầy Chân biết rõ hoàn cảnh chúng tôi.
Năm 1951, một kỷ niệm cho đến tận bây giờ còn in sâu trong bộ nhớ của mình: Một buổi cuối giờ chiều, thầy gọi tôi lên gặp. Vì không biết có chuyện gì nên trong lòng tôi rất lo lắng. Gặp tôi, thầy rót cho tôi chén nước ủ nụ vối, rồi hỏi han sức khỏe của chị em chúng tôi. Tiếp đó, thầy hỏi tôi rằng, thầy gặp em để nói về một chuyện, và muốn nghe ý kiến của em.
Thầy bảo: “Ty Giáo dục vừa phân bổ cho trường ta 5 suất học bổng toàn phần và một số học bổng 2/3 và 1/3. Số học sinh trong diện được cấp học bổng phải đạt các tiêu chuẩn: đạo đức tư cách tốt và học lực đạt mức từ khá trở lên, có hoàn cảnh khó khăn (do các lớp bình chọn và được Hiệu đoàn học sinh đồng ý, đề xuất). Các suất học bổng sẽ chia ra 3 mức là toàn phần, 2/3 và 1/3 để chia được cho nhiều học sinh. Hội đồng Nhà trường dự định cấp cho ba chị của em hai suất học bổng toàn phần, một suất học bổng 2/3. Còn em…, thầy muốn nghe nguyện vọng của em thế nào?”.
Tôi thật sự xúc động, cố kìm nén không để nước mắt trào ra vì nhận được sự cảm thông và quan tâm của thầy Hiệu trưởng và Hội đồng Nhà trường đối với gia đình và bản thân mình. Trấn tĩnh, tôi thưa: "Em và các chị của em thành thực biết ơn thầy và Nhà trường đã dành cho sự giúp đỡ to lớn đó. Thật lòng, em xin thầy đừng bận tâm về em, vì 3 chị của em đã được nhận 2 học bổng toàn phần và một học bổng 2/3, như vậy đã chiếm một tỷ lệ cao trong số học bổng mà Ty Giáo dục đã phân bổ cho cả trường ta rồi. Nếu thầy và Hội đồng cấp cho em nữa, e rằng sẽ chiếm mất phần của các bạn cùng học cũng có nhiều khó khăn như chúng em! Xin thầy tin vào suy nghĩ của em, em cảm ơn thầy đã cho phép em được gặp thầy để thưa những suy nghĩ của mình. Chắc Thầy của chúng em được biết việc này, ông rất cảm ơn Thầy và Nhà trường nhiều lắm ạ!”.
Nghe tôi dứt lời, thầy Chân kéo tôi ngồi sát người, xoa nhẹ mái đầu tôi và nói: “Vậy em đã nói rõ ý nghĩ của em. Thầy sẽ thông báo lại trong cuộc họp Hội đồng trước khi có quyết định cuối cùng”.
Tôi về kể lại cuộc gặp, các chị tôi rất xúc động về sự cảm thông mà thầy Hiệu trưởng và Nhà trường đã dành cho. Chị em chúng tôi dặn dò nhau phải nỗ lực học tập và rèn luyện phấn đấu nhiều hơn để đáp lại sự quan tâm của thầy Hiệu trưởng và Nhà trường đối với mình.
Tuần sau, trên bảng thông báo, nhà trường cho biết danh sách (dự kiến) số học sinh được nhận học bổng và yêu cầu các lớp phản ánh ý kiến bằng văn bản để lãnh đạo điều chỉnh. Mười ngày sau, khi tổng hợp ý kiến của các lớp và Hiệu đoàn học sinh về việc phân chia học bổng, Nhà trường thông báo chính thức, trong đó, 4 chị em chúng tôi đều được nhận học bổng, trong đó, có 2 toàn phần và 2 học bổng 2/3.
Cầm số tiền học bổng được cấp, chúng tôi trào nước mắt biết ơn, về báo cáo với Thầy chúng tôi (trong nhà, bố mẹ yêu cầu chúng tôi gọi là Thầy, Đẻ cho hợp thời); ông rất xúc động, ngồi viết thư chân thành cảm ơn Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Chân và Ban Giám hiệu nhà trường đã dành cho gia đình sự giúp đỡ vô cùng quý giá.
Chân quý tấm lòng của thầy với học sinh
Giữa năm 1952, gia đình chúng tôi có nhiều biến động. Thầy chúng tôi thuyên chuyển lên Tòa án Nhân dân Liên khu X đặt tại Thái Nguyên, chị thứ 3 đi học trường Sư phạm tỉnh, chị thứ 4 bị sốt rét ác tính, thoát chết khi đi thi lớp quân y sỹ ở tỉnh Tuyên Quang, chị thứ 5 được chọn cử đi học Trường Trung cấp Sư phạm Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc).
Sau khi dùng xe đạp đưa chúng tôi luân phiên di chuyển trên chặng đường gần 300 km xuyên rừng sang Thái Nguyên, thầy chúng tôi quay lại để đón chị thứ 4 đi tiếp, vì chị còn yếu, chưa thể bố trí đi cùng đợt trước được, đồng thời chuẩn bị cho chị thứ 5 chuẩn bị lên đường sang nước bạn học tập.
Linh cảm điều chẳng lành, thầy chúng tôi viết thư kể lại, khi từ bìa rừng hướng về phía nhà lúc trời nhá nhem tối ông thấy ánh đèn le lói hắt ra từ bên trong, đến nhà mở cửa không thấy hai chị tôi… Cô giáo Vũ Phạm Thăng ở nhà bên nghe tiếng ông, chạy sang báo tin dữ: chị thứ 4 của chúng tôi vừa mất vì bệnh sốt rét ác tính tái phát, nhà trường và bà con đã đưa tang trưa nay, còn người em (chị thứ 5 của tôi) được gia đình thầy Chân cho sang tá túc chờ thầy chúng tôi quay lại đón, đỡ phần cô quạnh. Thật là một nghĩa cử đầy lòng nhân ái mà gia đình chúng tôi luôn ghi ơn thầy và gia đình.
Trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường Nguyễn Thái Học, thầy Nguyễn Trọng Chân cùng một số thầy giáo và học sinh cũ quay lại Làng Han gặp mặt và làm lễ dựng tấm bia ghi danh nhà trường, bên ngõ đi vào nhà Cụ Chánh Tuyến - nơi đặt trụ sở Hiệu bộ.
Trong không khí đầm ấm, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Chân đã phát biểu những lời tri ân gia đình, bà con địa phương và trân trọng trao tặng đại diện gia đình Cụ kỷ vật và chụp ảnh chung, bày tỏ tình cảm sâu nặng và bền chặt giữa nhà trường và gia đình cùng bà con địa phương, đã vượt qua gian khổ khó khăn trong suốt gần một thế kỷ qua…
Năm 2006, kỷ niệm 60 năm thành lập, Trường Trung học Nguyễn Thái Học, tiếp nối là Trường Phổ thông Trung học Trần Phú, tỉnh Vĩnh Phúc đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi công, trao tặng danh hiệu cao quý Đơn vị Anh hùng Lao động và tấm Huân chương Lao động hạng Nhất.
Dù gần đến tuổi bách niên, Nhà Giáo ưu tú, người Đảng viên 60 năm tuổi Đảng, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Chân luôn nhớ tới học sinh của trường mỗi dịp gặp mặt. Thầy hỏi thăm từng người, với tình cảm ấm áp như một người cha trong "Đại gia đình Nguyễn Thái Học". Chúng tôi thưa tên tuổi, học sinh lớp nào, năm nào đều được thầy nhận ra.
Gặp thầy, ai cũng muốn được ngồi cạnh, được nắm bàn tay gày guộc của thầy, được chụp chung tấm ảnh kỷ niệm và cũng được dâng tặng thầy những bó hoa tươi thắm, món quà nho nhỏ với lòng biết ơn sâu đậm của mình. Dù ở những cương vị khác nhau, nhưng lứa học sinh Nguyễn Thái Học năm xưa, nay là lớp người U80, U90, luôn tạc ghi tấm lòng thành kính, hướng về mái trường xưa, về các thầy cô, về thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Chân giàu tình cảm và thông tuệ.
Chúng tôi xin hứa với các thầy, cô, với nhà trường sẽ tiếp tục sống xứng đáng là thành viên của Đơn vị Anh hùng Lao động - danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã trao tặng.