Tối cuối thu se lạnh, khán giả tại Nhà hát lLn Hà Nội đã được chứng kiến một đêm hòa nhạc mở màn đầy xúc cảm trong mùa diễn “Mặt trời trở lại”, từ những nhạc công, nghệ sỹ giao hưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời – Sun Symphony Orchestra (SSO), dưới sự dẫn dắt của Giám đốc Âm nhạc, Nhạc trưởng chính Olivier Ochanine.
Khán phòng chật kín khán giả. Những mong chờ và trông đợi dồn nén bấy lâu như được dịp bung tỏa, khi nhạc trưởng Olivier Ochanine bước ra sân khấu, dành những giây phút đầu tiên của buổi hòa nhạc để bày tỏ sự cám ơn chân thành tới tình cảm của khán giả Việt Nam dành cho dàn nhạc.
Ông chia sẻ với khán giả: “Cám ơn khán giả đã có mặt ở đây để cổ vũ cho sự trở lại của dàn nhạc ngày hôm nay. Gần 3 năm COVID-19 phải tạm dừng hoạt động là một quãng thời gian dài. Việc được cùng đứng với dàn nhạc trên sân khấu Nhà Hát lớn Hà Nội ngày hôm nay khiến tôi cứ nghĩ là mơ nhưng sự thật đã hiện diện ở đây. Nhờ có sự hỗ trợ tuyệt vời của Sun Group mà giấc mơ của tôi đã thành hiện thực”.
Những tràng pháo tay giòn giã của khán giả đã thay cho lời chúc mừng và chia vui với các nghệ sỹ của SSO, khi họ lại được thăng hoa trên sân khấu, sau những thăng trầm suốt hơn hai năm xa cách.
Chủ đề của buổi diễn mở màn cho mùa trở lại của SSO năm nay là: “Viva SSO! Mặt trời trở lại”. Để chuẩn bị cho buổi diễn, nhạc trưởng Olivier Ochanine đã vô cùng tâm huyết, khi lựa chọn những tác phẩm dành cho dàn nhạc được yêu thích nhất, từ vở opera nổi tiếng Carmen cho đến bản Concerto dành cho violin tuyệt đẹp của Saint-Saëns - với sự tham dự của danh cầm người Nga gốc Việt Aylen Pritchin, cũng như những điệu nhảy tươi vui trong Vũ khúc Slavonic của nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất xứ Bohemia Antonín Dvořák.
Khúc dạo đầu của buổi hòa nhạc đưa khán giả trở về bối cảnh đất nước Tây Ban Nha năm 1875 khi nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đàn piano nổi tiếng người Pháp Georges Bizet viết nên vở opera Carmen, đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật âm nhạc thế kỷ 19. Vở opera đã được lấy để làm cảm hứng sáng tác nên tổ khúc Carmen danh tiếng. Trải qua hàng trăm năm, tổ khúc Carmen vẫn giữ nguyên được sức sống bền bỉ của nó, và trên sân khấu Nhà hát Lớn, tác phẩm kinh điển này một lần nữa khiến khán giả không ngừng vỗ tay trong sự xúc động khi cây đũa của nhạc trưởng dừng lại và những thanh âm cuối cùng của tổ khúc kết thúc.
Bản Les Toréadors là bậc thang dẫn dắt khán giả đi từ sự tự hào với Dàn nhạc trong “thời bình”, khi những nhạc công còn “say sưa” với những nốt nhạc “ma thuật” cho đến sự xúc động và khâm phục khi thấy sự kiên cường chiến đấu không mệt mỏi của dàn nhạc để tiếp tục duy trì tình yêu âm nhạc. Lời tự sự như một nốt trầm cuối cùng để từ đây, dàn nhạc được “hồi sinh”, mang đến bản Seguédille quyến rũ với điệu nhảy Bohemian nổi tiếng, phủ lên tinh thần khiêu vũ ngập tràn cho khán phòng Nhà Hát Lớn Hà Nội. Les Toréadors và Seguédille cũng giống như chính câu chuyện thăng trầm của SSO trong dịch bệnh COVID-19, khi các thành viên dàn nhạc phải rời xa sân khấu, người cố gắng bám trụ lại Việt Nam với một tình yêu da diết dành cho đất nước xinh đẹp này, người phải rời xa, nhưng rồi sau bão giông, tất cả đã trở lại, mặt trời lại rực rỡ với nguồn năng lượng vô tận và đầy mạnh mẽ của mình.
Phần tiếp theo được mong đợi nhất chính là màn trình diễn Concerto số 3 cho violin, cung Si thứ của nhà soạn nhạc Saint-Saëns, được phối hợp trình diễn giữa nghệ sĩ vĩ cầm Aylen Pritchin và Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời. Tác phẩm được nhà soạn nhạc Pháp viết cho nghệ sĩ violin người Tây Ban Nha Pablo de Sarasate, người đã biểu diễn tại buổi ra mắt tác phẩm vào tháng 10 năm 1880. Đây là một trong những tác phẩm chuẩn mực cho danh mục biểu diễn hòa nhạc. Dù tác phẩm này dường như ít yêu cầu kĩ thuật hơn những bản trước đó, những sáng kiến về giai điệu và sự tinh tế mang trường phái ấn tượng lại đem tới những thách thức về biểu diễn. Tuy nhiên, thách thức này dường như không dành cho những ngón đàn tài năng của Aylen Pritchin. Với lối trình diễn đĩnh đạc và sự kiểm soát nốt nhạc đầy tinh tế, danh cầm người Nga gốc Việt đã thực sự mê hoặc người nghe với màn trình diễn của anh. Sự thành công của màn trình diễn còn phải kể đến sự “tung hứng” cực kỳ ăn ý và hài hòa của vị nhạc trưởng tài ba Olivier Ochanine trong chiếc đũa chỉ huy đứng trên bục cao. Những tràng pháo tay không ngớt của cả khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội chật kín khán giả đã là minh chứng cho sự trở lại thật sự rạng rỡ của “Mặt trời”.
Chọn chủ đề “Mặt trời trở lại” xuyên suốt cho mùa diễn, SSO đã rất tinh tế khi đưa những vũ khúc dân gian sinh động và hấp dẫn của tên tuổi lớn nhất trong lịch sử âm nhạc Czech – Antonin Dvorak vào nhạc mục đêm mở màn. Vốn nổi tiếng nhờ những điệu nhảy thu hút một cách đáng kinh ngạc, nổi bật là các vũ điệu Slavonic, âm nhạc của Dvorak giàu tính giai điệu, phong phú về cảm xúc và ở trình độ thẩm mỹ cao. Kết thúc buổi hòa nhạc bằng những giai điệu tươi vui khiến cả khán phòng muốn cùng khiêu vũ, SSO đã có một đêm diễn mở màn không thể thành công hơn.
Vy Anh – một khán thính giả Hà Nội xúc động chia sẻ đêm diễn: “Đêm diễn rất hay và giàu cảm xúc. Việc lựa chọn nhạc mục cho buổi biểu diễn đã thể hiện sự tinh tế và tính thẩm mỹ âm nhạc rất cao. Tôi đã vỗ tay không ngớt cho sự trở lại lần này. Hy vọng sẽ tiếp tục được tham dự nhiều buổi diễn của SSO hơn trong thời gian tới”.
“Mặt trời” đã trở lại, rực rỡ và ấn tượng, hứa hẹn sẽ đem tới những dấu ấn thăng hoa hơn nữa trong mùa diễn mới.