Ngày đầu tiên bước vào lớp Một, cậu bé Hoàng Liên (biệt danh Rán) từng chỉ có một mơ ước, là được tự đi bộ đến ngôi trường nhỏ bé trong làng cùng cô bạn mới quen. Nhưng ước mơ nhỏ ấy không thành hiện thực, bởi một lối rẽ bất ngờ ngay trước cổng trường: Cô bạn mới quen ấy đã bước lên chiếc xe ô tô khổng lồ, sặc sỡ để đi đến một ngôi trường quốc tế.
Ba năm sau, cảm giác tủi thân đó của cậu đã được bù đắp khi cậu cũng bước vào một ngôi trường vô cùng danh giá. Nhưng hóa ra mọi thứ không đơn giản...
Sự thực thì con của bạn cần một ngôi trường như thế nào? Bạn có bao giờ hỏi chúng chưa?
Nhưng dù bạn có hỏi thì chúng cũng còn quá nhỏ để có thể trả lời, kể cả một số đứa đã học đến lớp 8, lớp 9, hay thậm chí lớp 11, 12; nói gì đến những đứa bé tí, còn chưa học xong tiểu học hay thậm chí còn đang ở "lớp lớn" của hệ mầm non!
Bởi thế, ngôi trường của con bạn học đương nhiên là ngôi trường do bạn chọn. Bạn sẽ căn cứ vào rất nhiều thứ của bản thân để lựa chọn và nhân danh cả "những điều tốt nhất cho con cái".
Có điều, trong thời đại mà nhà nhà đều lo lắng về việc học hành, thì “những điều tốt nhất” đó thường đến từ ý chí của bạn, từ bạn bè của bạn, từ danh tiếng của các ngôi trường, danh tiếng của các thầy cô... Và tất cả những điều đó đều có trên mạng xã hội, trong các hội nhóm phụ huynh hay trong các chương trình tuyển sinh được thiết kế long lanh...
Thật may mắn, dù bạn chọn cho con mình bất cứ ngôi trường nào, thì đứa trẻ của bạn, với tâm hồn trong trắng vô vàn, cũng sẽ yêu và gắn bó với nơi đó, như thể ngôi trường đó sinh ra để dành cho chúng.
Chúng ta dần cắt giảm các ngày nghỉ cuối tuần, vốn được dùng vào việc đưa chúng đến các sân thể thao hoặc ra ngoài thiên nhiên... Những ngày đó chẳng hiểu từ khi nào nghiễm nhiên được trưng dụng vào việc ôn luyện, nhất là khi các kỳ thi vượt cấp đến gần... Chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi: tại sao ngôi trường ta chọn cho con mình tốt đến thế, học phí khủng đến thế, mà con cái mình vẫn phải cật lực học thêm chỉ để không bị tụt hậu?
Đầu óc đứa trẻ như một cái bình đựng nước, có cữ nhất định, nếu bị rót nhiều quá, thì nước sẽ tràn ra ngoài. Chúng ta thường không biết cái cữ đó và thời điểm nó tràn ra, nhất là khi những đứa trẻ biết che giấu tất cả bằng cách nhấn nút "Alt + Tab" trên máy tính. Sự thực lũ trẻ là bậc thiện nghệ trong việc đóng nhanh các cửa sổ mà chúng đang lén xem/chơi để kịp show ra trên màn hình máy tính các bài tập về nhà dài vô tận mỗi khi chúng ta đi lướt qua sau lưng chúng để kiểm tra.
Cuốn sách cho những ai đang mất ăn mất, ngủ lo cho con vào ngôi trường danh giá nào đó. Không phải bí quyết thi cử, đỗ đạt mà là những câu chuyện nhỏ phía sau cánh cổng trường khó vào ấy... Đúng mộng, vỡ mộng hay tỉnh mộng đều tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi phụ huynh!
Tác giả của cuốn sách – bút danh Hoàng Liên – nhận ra rằng, bản thân mình không thể khuyên bảo được ai, kể cả người nhà của mình hay con cái mình, trong việc chọn trường hay việc học hành, nên đành sử dụng thể loại nhang nhác nhật ký và bút pháp giễu nhại để trình bày một hiện thực - như nó đang xảy ra.
Dầy chưa tới 130 trang, với 17 chương, cuốn sách là những tình huống mà trẻ con hay phụ huynh đọc đều phải cười "hình hịch", dù thật ra cũng không đáng cười lắm mà đáng rơi lệ. Bởi đó là những cú va đập lung tung với trường, lớp, với cả một thiết chế giáo dục của cậu bé Hoàng Liên. Đó là một cậu bé vừa tuyệt đỉnh ngây thơ (tâm hồn không khác gì tờ giấy trắng - đứa trẻ nào của chúng ta chẳng vậy), lại vừa "ấm a ấm ớ", "một mình một kiểu" chẳng chịu theo quy tắc nào.
Chú bé sẽ phải làm sao khi không vượt qua được kỳ thi vượt cấp tiểu học ở một ngôi trường danh tiếng?
Một mùa tuyển sinh các trường từ mầm non đến đại học, nhất là các lớp đầu cấp đang đến gần. Đọc xong "Con chỉ cần một ngôi trường nhỏ", sẽ giúp bạn và cả con bạn dễ đi tới quyết định đúng đắn nhất cho con.