Hội Điện ảnh Việt Nam tri ân NSND Nguyễn Đăng Bảy về những đóng góp tích cưc của ông cho nền điện ảnh Việt Nam. NSƯT Nguyễn Lê Văn (trái), con trai của NSND Nguyễn Đăng Bảy, thay mặt gia đình nhận phần thưởng cao quý này. |
Từ
khi đến tuổi trưởng thành, bạn bè đồng nghiệp vẫn gọi bố tôi với cái tên thân mật,
gần gũi: “Bảy Hổ”. Có lẽ, cái tên Bảy Hổ đã bộc bạch hết cá tính mạnh mẽ, quyết
liệt của ông trong nghề quay phim, khi nào vào việc là nóng như “hổ”.
Nhưng
trong đời thường thì ngược lại, nếu ai gặp ông lần đầu đều không nghĩ rằng đây
là một nhà quay phim nổi tiếng, bởi ông có lối sống vô cùng giản dị bằng những
trang phục đời thường: quần ta, guốc gỗ, cư xử đúng mực, gần gũi, không bao giờ
để bụng những chuyện vặt vãnh, ai không nên không phải ông thẳng thắn phê bình
một cách chân tình.
Tôi
còn nhớ, những năm cắp sách đi học ở trường phổ thông, ông đã hướng cho tôi
theo nghề vẽ; rồi cơ duyên cuối cùng ông lại cho tôi theo nghiệp của ông: Nghề
quay phim – Nghề vẽ cuộc đời bằng ánh sáng, màu sắc, bố cục mang đến cảm xúc về
cái đẹp trong điện ảnh.
Sinh
ra và lớn lên tại làng Phù Lưu, Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, bố tôi - Nguyễn Đăng Bảy
có một tuổi thơ nhiều cơ cực. Sớm mồ côi cha mẹ, ngay từ khi 13, 14 tuổi ông đã
xin vào học, rồi làm tập sự cho một hiệu ảnh kiêm vẽ truyền thần. Khi đã biết
chút ít về nghề, ông lại xin theo học và tập sự giúp việc cho họa sĩ Nguyễn Như
Hoành, Hoàng Tích Trù... Con đường lập nghiệp và sáng tạo của một cậu bé nhà
nghèo đã đưa ông đi qua nhiều chốn, lặn lội qua nhiều chủ để đến một ngày những
ngón nghề trong hội họa, nhiếp ảnh đã ngấm vào ông. Chính những năm tháng ấy đã
đưa ông đến với Cách mạng, cho ông cơ hội đứng trong hàng ngũ những nghệ sĩ của
điện ảnh Việt Nam.
Cách
mạng bùng lên, Nguyễn Đăng Bảy hoạt động trong phong trào thanh niên phản đế,
Cách mạng tháng 8, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Kạn. Ở
Ty thông tin tuyên truyền tỉnh rồi chuyển lên Nha, công tác trong tổ phóng viên
nhiếp ảnh tuyên truyền kháng chiến. Ông còn giữ được những tấm thẻ cũ có chữ ký
của các ông Trần Văn Giàu, Lê Giản, ghi nhớ lại thuở ban đầu làm phóng viên cho
cách mạng.
Từ
làng quê, các văn nghệ sĩ như Kim Lân, Nguyễn Đăng Bảy ở Phù Lưu (Bắc Ninh) và
các văn nghệ sĩ cùng cả nước theo chân Bác Hồ bước vào cuộc kháng chiến thần
thánh của toàn dân tộc, mở đầu những chặng đường tỏa sáng của văn học nghệ thuật
cách mạng Việt Nam.
Việt
Bắc – Quê hương cách mạng, là cái nôi của cuộc kháng chiến, là thủ đô của gió
ngàn. Nguyễn Đăng Bảy đã từng ghi vào nhật ký của mình: “Ánh sáng của thời đại đã chiếu rọi trong lòng người những tình cảm
kháng chiến mãnh liệt, làm cho con người gắn liền vào cuộc kháng chiến bằng những
phần sâu xa nhất của đời sống mình. Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính
kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới, sắt lửa của mặt trận đã hun đúc nên nền nghệ thuật mới của chúng ta”.
Ông
mang máy ảnh theo bộ đội tham gia các chiến dịch. Năm 1947 ở mặt trận Đông Khê,
khi lấy được chiếc máy quay là chiến lợi phẩm, Bác Hồ đã chuyển cho ông và từ đó
ông may mắn được cơ quan giao cho nhiệm vụ quay phim tư liệu kháng chiến và tư
liệu về Bác Hồ.
Nhiều
lần, ông từng kể cho tôi nghe về những ngày được sống bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí
Minh, sự gặp gỡ giữa một thanh niên giác ngộ với vị lãnh đạo cao nhất của Cách
mạng Việt Nam. Nhiều lời chỉ dạy của Bác được ông nâng niu, coi trọng, xem nó
như triết lí cuộc sống và ngọn nguồn của sáng tạo. Trong kháng chiến, ông được
giao nhiệm vụ ghi lại những hình ảnh tư liệu quý giá về Bác Hồ. Những ngày đầu
đi theo kháng chiến, với chút vốn liếng nghệ thuật, ông được phân về nha thông
tin, bắt đầu cuộc đời của người cầm máy, một nghệ sĩ cách mạng. Cũng những năm
tháng ấy, ông vinh dự được gặp, chụp ảnh và quay phim về Bác. Nhiều bức ảnh đã
ra đời trong đó có bức được nhân rộng, in tư liệu để tuyên truyền phục vụ kháng
chiến. Một vài bức ngày nay vẫn được treo trang trọng trong căn phòng của ông. Nhiều
bức khác lại được lưu giữ tại các viện bảo tàng.
Tôi
nhớ mãi lời kể của ông về câu nói của Bác Hồ: “Cái máy quay phim chỉ là cục sắt vô tri, vô giác. Cái đầu của chú là
chính, nghề của chú phải luôn nhanh nhạy, chỉ cần một tích tắc là cảnh vật đã
biến đổi. Quay phim và chụp hình là
nghệ thuật của ánh sáng, mỗi bước trong quá trình thể hiện là một bước phía ánh
sáng...”.
Kể
từ đó, nghiệp quay phim đã ngấm vào tôi lúc nào không hay. Theo lời bố dạy, tôi
đã theo nghề quay phim của ông trong suốt mấy chục năm tại Đài Truyền hình Việt
Nam. Chính từ những lời kể của bố về những lời dạy của Bác Hồ đã thúc giục tôi
ra đời cuốn phim tài liệu: “Hồ Chí Minh –
Quá khứ, hiện tại và tương lai” đã đạt giải B thể loại phim tài liệu trong
cuộc thi sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong cuốn phim này, tôi
có sử dụng những hình do chính nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Đăng Bảy ghi lại được khiến
tôi tràn đầy cảm xúc và tự hào về một người bố. Dường như những hình ảnh về Bác
Hồ mà bố tôi đã ghi lại được khi ông được đi cùng với Bác đã như một sự thôi
thúc, giúp tôi có động lực mạnh mẽ để hoàn thành bộ phim tài liệu.
Giải
phóng Thủ đô năm 1954, Nguyễn Đăng Bảy và các nhà điện ảnh kháng chiến từ Đồi cọ
chiến khu trở về Hà Nội, ông là một trong những nhà quay phim tài liệu đầu tiên
xây dựng điện ảnh nước nhà. Phim “Đường sắt
Hà Nội – Mục Nam Quan”, “Phong cảnh
Hà Nội (1956)”, “ Núi rừng Việt Bắc (1957)”... Ngày nay là những hình ảnh
tư liệu quý giá. Đặc biệt, ông được theo chân Bác ghi lại những hình ảnh Bác Hồ
đi thăm các cơ sở cách mạng, các nước: Ấn Độ, Inđônêsia, Miến Điện, Trung Quốc...
Cùng với các nhà quay phim tài liệu trong nước và quốc tế, Nguyễn Đăng Bảy đã
đóng góp những thước phim chân dung tuyệt đẹp về hình ảnh Hồ Chí Minh - Bác Hồ
kính yêu trong tâm tưởng của ông “ghi lại
được chân dung của Bác đối với tôi là một vinh dự và là một đặc ân – Ông nói với
bạn bè đồng nghiệp – Người luôn ở trong tầm mắt, người mà tôi thấy bất cứ tôi
nhìn ở đâu”. Hình ảnh Bác Hồ trong những thước phim tư liệu của ông và đồng
nghiệp là di sản quý báu của lịch sử, của nghệ thuật.
Nhiều
người nói với tôi rằng, Nguyễn Đăng Bảy là một hiện tượng thể hiện những góc
nhìn giản dị, mộc mạc, gần gũi, thân thương như “đời”. Năm 1959, bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên “Chung một dòng
sông” ra đời, điện ảnh cách mạng bước vào một giai đoạn mới với những tác phẩm
có tiếng vang trong nước và thế giới. Năm 1960, Nguyễn Đăng Bảy bước vào nghề
quay phim truyện. Năm đó ông mới 37 tuổi, lớp tuổi của những nhà điện ảnh đầu
tiên trưởng thành trong kháng chiến. Năm 1961, ông nhận quay bộ phim “Con chim
vành khuyên” do Nguyễn Văn Thông và Trần Vũ đồng đạo diễn. Bộ phim khởi đầu sự
nghiệp quay phim của ông với những khuôn hình chân thật, giản dị, giàu chất
thơ, đó cũng chính là phong cách nổi bật của Nguyễn Đăng Bảy sau này.
Những tên phim như: Cô gái công trường, Con chim vành khuyên, Nổi gió, Đến hẹn lại lên,
Không nơi ẩn nấp, Chị Dậu, Ngày lễ thánh, Chuyến xe bão táp... là những dấu
ấn ghi nhớ từ những ngày đầu của điện ảnh Cách mạng cho tới sau này.
Cái
lớn nhất của bố tôi là ông luôn coi nghệ thuật quay phim như cả cuộc đời. Ngụp
lặn trong thế giới huyền diệu của những khuôn hình, ông như thấy nó quá lớn để
chẳng bao giờ thoát ra được.
Những
năm tuổi già, không còn sức để đi theo những đoàn làm phim, ông đã dồn những
trăn trở, khắc khoải lên những bức tranh khắc. Bắt đầu cuộc đời bằng nghệ thuật
hội họa, trải qua bao thăng trầm để cuối cùng ngồi lại bên ông lúc tuổi già là
cây cọ, bộ dao khắc, tấm phên gỗ. Những hình ảnh đó tôi không bao giờ quên.
Trong
buổi lễ trao giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam, thay mặt bố tôi – NSND
Nguyễn Đăng Bảy, tôi đã vinh dự được lên sân khấu đón nhận những vinh quang mà
ông đã đạt được hiện diện trong trái tim của công chúng và những người làm nghề.
Đối
với một người nghệ sĩ, nghệ thuật được ví như một cuộc sống thứ hai luôn song
hành trong cuộc đời. Còn hơi thở, còn một giây phút sống họ cũng dành hết cho
nghệ thuật. Bố tôi – Bảy Hổ là một người như thế.