Nghi lễ 'Tống cựu nghinh Tân' tại Hoàng thành Thăng Long

Ngày 17/1, nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” - tiễn cái cũ đi để đón năm mới về trong chương trình "Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long" được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội trang trọng tổ chức.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng các đại biểu dâng hương tại điện Kính Thiên. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” bao gồm việc thực hành các tục lệ cổ là: Lễ ban sóc, phất thức; lễ cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép và lễ dựng cây nêu. Đây là các nghi thức được nhiều đời vua tại Hoàng thành Thăng Long thực hiện mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Cũng theo tục lệ, trước đây chỉ khi nghi lễ trong hoàng cung kết thúc, dân chúng mới tiến hành nghi lễ này tại tư gia.

Tại điện Kính Thiên, các đại biểu đã thực hiện nghi lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, tham dự lễ dựng cây nêu tại sân Đoan Môn, thả cá chép trên dòng sông cổ thuộc khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Cùng với việc tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân”, chương trình "Tết Việt tại Hoàng thành Thăng Long" còn diễn ra một loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý 2020 với chủ đề “Nét bút ngày xuân”. Các hoạt động sẽ giới thiệu những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp có từ ngàn đời của dân tộc.

Cụ thể, không gian của nhà nho với văn phòng tứ bảo: Giấy, mực, bút, nghiên cùng nhiều câu đối mang ý nghĩa sâu sắc, những lời hay ý đẹp được thể hiện qua nghệ thuật thư pháp. Không gian trang trí ngoài trời được sắp đặt một số cụm trang trí nổi bật với nón, đèn lồng, chong chóng, câu đối được thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau. Chương trình cũng dành nhiều nội dung và không gian riêng cho trẻ em vui chơi, tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống như: Kể chuyện Tết ở Hoàng cung gắn với phong tục khai bút, xin chữ, câu chuyện vua Lê ban câu đối Tết cho dân nghèo ở Kinh thành Thăng Long...

Cũng trong thời gian này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức trưng bày hai chuyên đề: “Vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc trong lịch sử trị vì tại Hoàng thành Thăng Long” và “Rồng - vương triều, uy quyền” nhằm hệ thống những tư liệu lịch sử, diễn giải khái quát về các vị vua anh minh, những triều đại nối tiếp nhau tạo nên kinh thành Thăng Long kỳ vĩ, một trung tâm quyền lực tồn tại lâu dài trong lịch sử.

Du khách cũng được trải nghiệm chợ Tết, tìm về Tết xưa qua các trò chơi dân gian, viết chữ thư pháp, làm hoa, nặn tò he... và thưởng thức các tiết mục múa rối nước đặc sắc.

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long sẽ nghỉ các ngày 23 – 25/1 (tức ngày 29, 30 tháng Chạp và mùng 1 Tết Canh Tý). Trong thời gian này, các điểm di tích trong khu di sản vẫn phục vụ du khách đi lễ, dâng hương.

 Dưới đây là các hình ảnh do Phóng viên TTXVN ghi lại:

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Đoàn hành lễ đi thả cá chép tại khu vực dòng sông cổ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Chú thích ảnh
Đoàn hành lễ đi thả cá chép tại khu vực dòng sông cổ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Chú thích ảnh
Đoàn hành lễ thả cá chép tại khu vực dòng sông cổ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Chú thích ảnh
Lễ dâng hương tại điện Kính thiên. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Chú thích ảnh
Dựng cây nêu tại khu vực sân Đoan môn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Đinh Thuận (TTXVN)
Thị trường hàng hóa tiêu dùng sôi động ngày tiễn Táo quân về trời
Thị trường hàng hóa tiêu dùng sôi động ngày tiễn Táo quân về trời

Ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh ngày ông Công, ông Táo (tức ngày 23 tháng Chạp Âm lịch) cho thấy, thị trường hàng hóa tiêu dùng sôi động ngay từng sáng sớm. Ở những địa điểm kinh doanh mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, trái cây, hoa tươi cắt cành... đều tăng nguồn cung gấp hai, ba lần so với ngày thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN