Năng lượng sạch thắp sáng Trường Sa

Những năm gần đây cuộc sống của quân và dân huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa đã thay đổi nhiều nhờ những dàn pin năng lượng mặt trời và những cột tua bin điện gió đang hàng ngày “thắp sáng” Trường Sa.

Video Năng lượng sạch thắp sáng Trường Sa:

Theo Đại tá Lê Đình Hải, Lữ đoàn Phó, Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) kiêm Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, hiện nay trên các điểm, đảo ở quần đảo Trường Sa đang sử dụng 2 nguồn năng lượng sạch là điện gió và điện năng lượng mặt trời, phục vụ quân và dân sẵn sàng chiến đấu và sinh hoạt trên đảo.

Nguồn năng lượng sạch hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu hàng ngày, như sinh hoạt, nấu ăn, xem ti vi, nghe đài, ban đêm có thể sử dụng quạt điện… Có thể nói, Trường Sa là huyện đầu tiên trên cả nước được thắp sáng bằng nguồn năng lượng sạch. Nhờ nguồn năng lượng ổn định này mà những sinh hoạt trên đảo đã thuận lợi hơn trước.

Chú thích ảnh
Những tấm pin mặt trời lấp lánh dưới ánh nắng chói chang và những cánh quạt gió quay tít trên từng đảo nhỏ là những công trình năng lượng sạch đang ngày đêm cung cấp điện phục vụ cuộc sống sinh hoạt, quốc phòng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.
Chú thích ảnh
Huyện đảo Trường Sa là địa phương tiên phong thắp sáng bằng nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên.
Chú thích ảnh
Nhờ có điện, mọi sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các điểm đảo đã bớt khó khăn hơn so với trước kia. 

Chuẩn bị đón khách từ đất liền ra thăm đảo và đến nhà chơi, anh Thái Minh Khai, hộ dân sống trên đảo Song Tử Tây tất bật đi tìm bình đun nước siêu tốc để cắm nước, bật quạt mát để tiếp khách. Anh Khai cho biết: "Gia đình tôi ra đảo sinh sống đã hơn 4 năm. Các cháu cũng đã được ăn Tết ở đảo 4 lần. Tuy ở xa đất liền nhưng mọi thiết bị, đồ dùng sinh hoạt ở đây không khác gì ở trong bờ là nhờ có hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời, giúp cho cuộc sống sinh hoạt trong gia đình và cán bộ, chiến sĩ trên đảo ngày càng tốt hơn".

Những năm 2010 trở về trước, do điều kiện ở xa đất liền, các điểm đảo ở Trường Sa chủ yếu sử dụng máy nổ chạy dầu để phát điện phục vụ sinh hoạt, thắp sáng. Nguồn năng lượng điện chạy bằng máy nổ khá tốn kém lại không ổn định, phát ra tiếng ồn lớn và gây ô nhiễm môi trường, nên thường chỉ dùng vài giờ vào buổi tối và khi thật cần thiết.

Chú thích ảnh
Nhờ có nguồn điện từ năng lượng sạch mà huyện đảo thu hẹp khoảng cách giữa biển đảo và đất liền. 
Chú thích ảnh
Hiện nay, công suất hệ thống năng lượng sạch trên các điểm đảo đảm bảo điện cho toàn đảo sử dụng.
Chú thích ảnh
Việc bảo dưỡng, bảo trì hệ thống năng lượng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác vừa vận hành, vừa đào tạo cho cán bộ, chiến sĩ thuần thục sử dụng các thiết bị cũng phải song hành để chủ động.

Nhưng những năm gần đây, các điểm, đảo ở Trường Sa đã được đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng sạch, tận dụng thời tiết nắng và gió ở Trường Sa để sản xuất năng lượng điện phục vụ sinh hoạt và huấn luyện cũng như sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị lực lượng vũ trang.

Không những vậy, hệ thống điện năng lượng sạch ở Trường Sa luôn được đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm và cải tiến, để điện ở Trường Sa ngày một “sáng hơn”. Theo Đại úy Trần Thế Tài, Chính trị viên đảo Đá Nam, từ khi đảo được lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện gió, đời sống cán bộ chiến sĩ đã được cải thiệt rất nhiều. Nhờ có nguồn điện ổn định, trên đảo đã được sử dụng tủ cấp đông bảo quản thực phẩm, rau xanh… được lâu dài, anh em được sử dụng quạt mát mỗi khi trời nắng nóng.

Đại úy Đỗ Minh Cường, Đảo trưởng đảo Núi Le A cho biết: "Điện năng lượng mặt trời rất mạnh, khỏe, dòng 3 pha ổn định, có thể sử dụng được ở quy mô lớn hơn so với dòng điện 1 pha. Theo lý thuyết, một giờ quạt gió và hệ thống pin năng lượng trên đảo có thể sản sinh ra được khoảng 25 ký, ắc quy có thể dự trữ điện được 3 ngày không cần nạp thêm. Trong điều kiện những ngày mưa và không nắng, bộ đội trên đảo chỉ dùng hết khoảng 5 ký/ngày".

Chú thích ảnh
Việc đưa vào sử dụng, khai thác hệ thống năng lượng sạch tại huyện đảo Trường Sa là chủ trương đúng đắn, bởi nếu chỉ dựa vào năng lượng điện từ máy nổ như trước đây sẽ rất tốn kém và không ổn định.
Chú thích ảnh
Các thiết bị trong hệ thống năng lượng sạch ngoài Trường Sa luôn gặp thử thách rất khắc nghiệt từ thời tiết.
Chú thích ảnh
Huyện đảo giờ không lo thiếu điện nếu thiết bị hoạt động tốt. 

Mặc dù vậy những khó khăn mà cán bộ, chiến sĩ, quân dân trên quần đảo Trường Sa vẫn đang phải đối diện đó là nắng, gió, bão biển khắc nghiệt. Việc vận hành hệ thống năng lượng sạch trên các đảo luôn phải nỗ lực bảo dưỡng cẩn thận từng con ốc, từng mối nối dây, để thiết bị không bị rỉ sét do hơi mặn của nước biển ăn mòn làm ảnh hưởng đến hệ thống điện. 

Hệ thống năng lượng sạch với công nghệ hiện đại, quản lý bằng máy tính, cũng đòi hỏi những chiến sĩ vận hành luôn phải tìm tòi và học tập bổ sung kiến thức, để vận hành hệ thống an toàn, hiệu quả.

Trung tá Trần Danh Hoàng, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn cho biết: "Đội bảo dưỡng trong đất liền ít có điều kiện ra thay thế linh kiện mỗi khi pin năng lượng mặt trời hay quạt gió hư hỏng, hoặc gặp chục trặc nên anh em cán bộ, chiến sĩ cũng phải học hỏi, tìm hiểu để sửa chữa. Mới đầu thì cũng gặp nhiều khó, nhưng sau khi sửa chữa, tìm hiểu nguyên lý vận hành của pin năng lượng và quạt gió, anh em cũng học được cách bảo quản, bảo dưỡng kiểm tra định kỳ… từ đó kéo dài được tuổi thọ của thiết bị".

Chú thích ảnh
Nhờ có hệ thống điện mặt trời mà cán bộ, chiến sĩ sau những giờ huấn luyện có thể thưởng thức các chương trình truyền hình, chiếu sáng…
Chú thích ảnh
Theo chuyên gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị năng lượng sạch ngoài đảo sẽ khó khăn và tốn kém gấp hàng trăm lần so với đất liền. 
Chú thích ảnh
Các thiết bị năng lượng sạch thường để ngoài trời, với gió biển mang theo hơi mặn, nắng đảo cũng rất khắc nghiệt, khiến thiết bị nhanh xuống cấp, bị ăn mòn.

Tuy nhiên, sự khắc nghiệt của khí hậu, nắng, gió, hơi mặn của nước biển ở Trường Sa đã làm một số công trình điện xuống cấp, hư hỏng. Ở một số điểm, đảo có hệ thống năng lượng sạch được đầu tư cách đây cả chục năm, những tấm pin năng lượng mặt trời, quạt gió hay ắc quy dự trữ năng lượng đã đến thời gian phải thay thế, nâng cấp.

Đại úy Trần Văn Bình, Chính trị viên đảo Tốc Tan A trăn trở: “Hệ thống pin năng lượng mặt trời, quạt gió được đầu tư đã lâu, đến nay ắc quy kém khiến hiệu suất chỉ còn 60-70% không như trạm mới. Giải pháp của chúng tôi là thường xuyên chăm sóc bảo quản hệ thống và mong muốn các đơn vị trong đất liền thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, thay thiết bị để đảm bảo tuổi thọ hệ thống được lâu dài, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và quân dân trên đảo sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu cao".

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống điện năng lượng sạch nhưng cán bộ và chiến sĩ cùng các lực lượng quân dân trên đảo Trường Sa vẫn đang nỗ lực, quyết tâm bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Hệ thống năng lượng sạch trên các đảo thời gian qua đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt của Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được thụ hưởng năng lượng sạch, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống, công tác và chiến đấu. Quân chủng Hải quân đang tích cực phối hợp với EVN để bảo đảm điện cho Trường Sa một cách tốt nhất.

Trường Sa hôm nay đang rực sáng, mỗi khi đêm xuống ánh điện lung linh giữa biển khơi càng tô thêm vẻ đẹp cho các điểm đảo, tiếp thêm nghị lực và ý chí quyết tâm của quân dân huyện đảo Trường Sa vững vàng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Bài, ảnh, video: Viết Tôn/Báo Tin tức
Những chiến sĩ hải quân làm hoa tiêu ở đảo Trường Sa
Những chiến sĩ hải quân làm hoa tiêu ở đảo Trường Sa

Ở Trường Sa, mỗi khi xuồng chuyển tải đưa đoàn công tác lên đảo, mọi người đều bắt gặp những chiến sĩ hải quân đứng làm hoa tiêu vẫy cờ giúp cho xuồng đi đúng luồng, tránh va phải san hô, góp phần bảo đảm an toàn cho đoàn công tác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN