Đến thăm đảo Trường Sa, đi chừng 800m từ cầu cảng vào đảo, chùa Trường Sa ẩn mình dưới bóng bàng vuông bên đường băng sân bay của đảo, hướng ra cột mốc chủ quyền thật uy nghiêm và linh thiêng.
Chùa Trường Sa cũng giống như những nơi thờ tự khác trên đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca được xây dựng từ năm 2007. Cách đất liền hàng trăm hải lý, giữa sóng nước mênh mông, vào mỗi buổi bình minh và khi hoàng hôn xuống, tiếng chuông chùa ngân vang thật thanh bình, thoát tục mà thật gần gũi. Giữa biển khơi sóng nước, những ngôi chùa là chốn linh thiêng, khẳng định Phật giáo đã có mặt ở Trường Sa và đồng hành cùng dân tộc, là chỗ dựa tinh thần của người dân nơi đảo nhỏ.
Đại đức Thích Nhuận Đạt, người có thâm niên trụ trì ở chùa Song Tử Tây hơn 10 năm trước, nay về trụ trì chùa Trường Sa cho biết: Việc xây chùa ở đảo Trường Sa không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống tâm linh của quân, dân huyện đảo, mà còn để khẳng định lãnh thổ của Việt Nam, sự thiêng liêng của đất mẹ anh hùng mang hồn thiêng biển cả. Tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, dù ở núi cao, đèo sâu đến biển đảo quê hương. Ở đâu có nhân dân Việt Nam sinh sống, ở đó có đời sống tâm linh thanh tịnh.
Với Đại đức Thích Nhuận Hạnh, Ủy viên Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên ra thăm Trường Sa, vinh hạnh được đi lễ chùa trên các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa thật xúc động.
Đại đức Thích Nhuận Hạnh cho biết: Lịch sử đã chứng minh, tôn giáo, nhất là Phật giáo luôn đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc. Việc xây dựng các chùa trên quần đảo Trường Sa và trở thành nơi thờ tự để quân dân trên đảo thực hành tín ngưỡng đi lễ vào những ngày rằm, mùng 1 âm lịch, hay dịp Tết Nguyên đán... là biểu hiện sinh động của đời sống tinh thần mỗi người dân trên đảo.
“Trước đây, trong chiến tranh nhà sư cầm súng chiến đấu, nuôi giấu chiến sĩ cách mạng. Ngày nay trong thời bình, nhà sư chúng tôi cầu mong cho đất nước thái hòa, thế giới bình an, hoan hỷ. Chùa Trường Sa mãi là điểm tựa tâm linh của cán bộ chiến sĩ, nhân dân sinh sống ở đây và cả những ngư dân ra khai thác đánh bắt hải sản trên vùng biển này. Ở đâu có người dân sinh sống ở đó có cuộc sống tâm linh hướng thiện”, Đại đức Thích Nhuận Đạt, trụ trì chùa Trường Sa cho hay.
Ngày nay, những ngôi chùa trên các đảo trên quần đảo Trường Sa đều có không gian đẹp, đặc biệt là chùa Song Tử Tây có khuôn viên rộng rãi, tầm nhìn khoáng đạt hướng thẳng ra Biển Đông. Đây là chốn thanh tịnh, an dưỡng tâm hồn sau những giờ tập luyện, tăng gia sản xuất, lao động của bộ đội và nhân dân trên đảo.