Lễ tưởng niệm các con tin Nhật Bản bị IS sát hại

Đúng 5 giờ chiều 8/2, giờ Nhật Bản, hàng trăm người tụ tập tại cổng Hachiko, Nhà ga Shibuya, thủ đô Tokyo, tham gia lễ tưởng niệm các con tin Nhật Bản và Jordan bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo sát hại cách đây vài ngày.

Theo thông tin trên mạng Internet, cư dân mạng kêu gọi tổ chức lễ tưởng niệm tại nhiều thành phố trên khắp Nhật Bản. Ngoài Tokyo, lễ tưởng niệm cũng được tổ chức tại các thành phố lớn Kyoto, Osaka, Nagoya và Fukuoka vào cùng một thời điểm.


Những người tham dự đã bày tỏ sự tiếc thương đến phóng viên người Nhật Bản Kenji Goto, là con tin Nhật Bản cuối cùng bị IS hành quyết hôm 31/1. Phóng viên Goto nổi tiếng với các phóng sự trong chiến tranh Iraq hay nạn đói ở Rwanda. Các đề tài báo chí mà anh khai thác thường tập trung vào phụ nữ, trẻ em và người già ở các vùng chiến sự. Tháng 8/2014, Giám đốc công ty thiết bị quân sự Haruna Yukawa bị phiến quân IS bắt giữ. Để giải cứu người bạn của mình, Kenji Goto đã lên đường đến Syria tìm Yukawa. Anh tìm cách vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria nhờ một hướng dẫn viên dẫn đường. Trước khi tiến vào sào huyệt của IS, Goto đã để lại lời nhắn rằng “nếu xảy ra bất kỳ điều gì đối với bản thân mình, xin hãy đừng trách người dân Syria”. Tuy nhiên, tháng 10/2014, Goto mất tích.


Trong chuyến thăm Trung Đông của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 1/2015, phiến quân tự xưng là thành viên của IS ngày 20/1 đã tung đoạn băng ghi hình hai con tin Nhật Bản là Goto và Yukawa, doạ sẽ sát hại con tin nếu không nhận được khoản tiền chuộc 200 triệu USD, tương đương với khoản tiền viện trợ mà Tokyo cam kết hỗ trợ các nước Trung Đông giúp đỡ những người tị nạn bị ảnh hưởng bởi IS.


Trả lời phóng viên TTXVN, ông Masayuki Watanabe, thành viên tham gia Lễ tưởng niệm, cho biết: “Phóng viên Goto đã đến các vùng chiến sự để đưa tin. Anh ấy đã có cách giải quyết của riêng mình là sử dụng sức mạnh của truyền thông để đương đầu với chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh. Cái chết của Kenji Goto là kết quả của một thế giới tràn ngập bạo lực và giết chóc”. Ông cho rằng bạo lực rõ ràng không phải là thứ giải quyết mâu thuẫn và xung đột. Phải chăng đó chính là lý do mà phóng viên Goto đến các vùng chiến sự. Ông nói: “Thế nhưng anh ấy đã bị giết hại bởi chính bạo lực. Chúng tôi muốn mọi người không bao giờ quên đi điều đó và hãy chấm dứt bạo lực trên thế giới”.



Ánh nến leo lét và những gương mặt u buồn, tất cả những người tham gia buổi lễ đang cầu nguyện cho linh hồn của các con tin được siêu thoát. “Chúng tôi là Kenji”, “Kenji Goto và Haruna Yukawa, chúng tôi sẽ không bao giờ quên các anh”, “Chiến tranh không phải là câu trả lời”, “Yukawa hãy yên nghỉ”, “hãy tạo dựng một thế giới không có chiến tranh”… là những khẩu hiệu được những người tham gia cầm chặt trên tay. Mong muốn hoà bình và sự im lặng của những người tham dự có lẽ là câu trả lời rõ ràng nhất mà chúng ta có thể nhận ra được từ cái chết của các con tin.


Bà Kobayashi, một người dự Lễ tưởng niệm, nói: “Lễ tưởng niệm về hai con tin Nhật bị sát hại ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta nhìn nhận đúng đắn hơn về cách thức chấm dứt chiến tranh. Nếu ta dùng bạo lực để trả thù cho những mất mát thì phải chăng cái chết của Goto sẽ trở nên vô nghĩa. Ý nguyện của Goto là hãy chấm dứt bạo lực, lập lại hoà bình”. Bà cho rằng việc Nhật Bản hỗ trợ nhân đạo cho các nước trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo là một việc duy nhất mà Tokyo chỉ có thể làm được vào lúc này.


Theo điều tra mới nhất của hãng thông tấn Kyodo, khoảng 60,8% dư luận ở Nhật Bản ủng hộ cách xử lý cuộc khủng hoảng con tin của Chính phủ nước này trong khi 57,9% khẳng định sự ủng hộ của Nhật Bản phải là phi quân sự. Buổi lễ tưởng niệm một lần nữa cho thấy người dân Nhật Bản vẫn đứng vững sau cuộc khủng hoảng con tin. Cái chết của các con tin không hề vô nghĩa bởi những người còn sống vẫn luôn nhớ về họ. Và tư tưởng vì hoà bình của phóng viên Kenji Goto đã trở thành một biểu tượng bất tử trong lòng tất cả mọi người.


Một số hình ảnh tại lễ tưởng niệm:











Hữu Thắng  (P/v TTXVN tại Tokyo)

Tác động vụ hành quyết con tin lên chính sách đối ngoại Nhật Bản?
Tác động vụ hành quyết con tin lên chính sách đối ngoại Nhật Bản?

Nhật Bản, quốc gia vốn luôn cảm thấy xa lạ với những vấn đề địa chính trị, vừa trải qua một cú sốc khi hai công dân của nước này bị các phần tử Hồi giáo cực đoan tại Syria giết hại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN