Trong nhiều ngày qua, hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ cùng êkip gần 500 nhân viên, kỹ thuật, hậu trường… đã làm việc, tập luyện ngày đêm để chuẩn bị cho chương trình.
Chương trình "Dòng sông kể chuyện" mùa 2 có tên gọi "Chuyến tàu huyền thoại" sẽ kể những câu chuyện lịch sử cận đại diễn ra trên sông Sài Gòn với 5 chương: Hạ thủy, Cập bến, Ra khơi, Dậy sóng và Vươn xa. Mở đầu chương 1 là hình ảnh người ông đứng trên Cầu Mống kể chuyện cho người cháu nghe về dòng sông tại TP Hồ Chí Minh.
Hình ảnh đóng tàu được các diễn viên biểu diễn kết hợp với ánh sáng nghệ thuật hiện đại để tạo nên khung cảnh nhộn nhịp của bến tàu tại cảng Sài Gòn năm xưa.
Hình ảnh công nhân nhà máy đóng tàu Ba Son được tái hiện trong chương trình để nói về cuộc đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc ta. Nhà máy này cũng là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, tổ chức Công hội đỏ mà ngày nay là tổ chức Công đoàn và người đứng đầu là Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Trong chương trình, người xem còn bắt gặp chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral Latouche Tréville (tàu Đô đốc Latouche Tréville) rời cảng Sài Gòn đi Marseille, Pháp.
Trên con tàu này, chàng thanh niên Văn Ba đã xin làm phụ bếp và mang theo một hoài bão lớn lao: Tìm hiểu nền văn minh của thế giới, ra sức học hỏi để về giúp nước. Một giai đoạn mới, một bước ngoặt mới mở ra trong cuộc đời chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Chương trình nghệ thuật này còn tái hiện hình ảnh những người lính đặc công rừng Sác năm xưa.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây đã hình thành một căn cứ địa quan trọng của quân ta. Nơi đây còn có con sông Lòng Tàu - tuyến đường giao thông huyết mạch, chuyên vận tải, tiếp tế hậu cần từ biển Đông về nội đô - nên Mỹ cũng xem rừng Sác là vị trí chiến lược và tìm cách ngăn chặn mọi đường tiếp tế của quân ta.
Chùm ảnh: Mạnh Linh - Hoàng Tuyết/Báo Tin tức