Như thông lệ, những người dân ở TP Từ Sơn (Bắc Ninh), đặc biệt là người dân Đình Bảng đều hướng tới Đền Đô cầu phúc đêm 30 và ngày 1 Tết Nguyên đán.
Chị Nguyễn Thị Lý (khu phố Thượng, phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: “Theo truyền thống của gia đình, sau khi làm cơm cúng gia tiên sáng mùng 1 thì điểm đi lễ đầu năm của đại gia đình tôi là 3 địa điểm chính: Đình làng Đình Bảng, Đền Đô và chùa”.
Anh Nguyễn Tiến Hải (Chùa Dận, Đình Bảng, TP Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: “Tôi sinh sống và làm việc tại Hà Nội nhưng dịp Tết đến xuân về là về ăn Tết ở Đình Bảng. Đã là người con của Đình Bảng thì điểm đến dịp đầu năm của chúng tôi luôn là Đền Đô. Gia đình chúng tôi đến để cầu phúc, cầu bình an và cùng các con, cháu ôn truyền thống, lịch sử".
Đền Đô (hay còn gọi là đền Lý Bát Đế, Cổ Pháp Điện) được xây dựng vào thế kỷ XI, ngày nay nằm ở phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đền được dựng trên nền đất mà khi xưa vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương.
Theo sử sách, dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha, từ đó Đền Đô trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.
Đến nay, Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý gồm: Lý Công Uẩn tức (Lý Thái Tổ), Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông.
Đền Đô được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa theo Quyết định số 154 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 25/1/1991. Năm 2014, nơi đây cùng với các khu lăng mộ của các vua nhà Lý đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đền Đô với kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật, nơi linh thiêng, hội tụ linh khí của đất trời và là nơi nhân dân đến đền cầu phúc.
Dưới đây là một số hình ảnh người dân đến Đền Đô cầu phúc ngày mùng 1 Tết Quý Mão: