Tám giờ sáng, không khí ở bếp ăn thiện nguyện Mãn Tự nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3, TP Hồ Chí Minh) rất nhộn nhịp. Mỗi người một việc, ai nấy đều tất bật. Người thì phân loại nguyên liệu, chuẩn bị chế biến, người thì sơ chế…
Bên góc bếp, một cô bé nhỏ nhắn đang ngồi, tay thoăn thoắt cắt gọt các loại rau củ. Bé tên Phùng Thị Quỳnh Như (10 tuổi), tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất của bếp, là cháu của anh Nông Văn Hào (28 tuổi) - nhân viên bếp ăn này.
Quỳnh Như chia sẻ: “Con đến đây để chung tay giúp cô chú làm cơm phát cho bà con nghèo qua mùa dịch. Những việc nặng thì mấy cô làm, việc nhẹ thì con làm như xắt bí, bào cà rốt, chia đồ ăn vào hộp cơm…”.
Để chế biến hàng ngàn suất cơm, khối lượng nguyên liệu cần sơ chế mỗi ngày là rất lớn. Giữa đống rau củ đồ sộ trước cửa hàng, ai cũng bất ngờ khi thấy một bé gái nhỏ nhắn đang tỉ mẩn bào từng củ cà rốt, xắt bắp cải... hay ngồi buộc mấy bịch nước chấm, bịch canh bằng đôi tay thoăn thoắt như đầu bếp chuyên nghiệp.
Anh Nông Văn Hào tâm sự: “Ba mẹ ly thân vài năm trước, Quỳnh Như và hai em nhỏ (6 tuổi và 3 tuổi) ở với bà ngoại. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không có tiền cho bé đi học. Thương hoàn cảnh của bé nên tôi đón bé lên TP Hồ Chí Minh để chăm sóc. Khi nào dịch bệnh ổn lại, tôi sẽ nhờ anh chị, cô chú nào đó quen biết trường bổ túc hay trường giúp đỡ những trẻ em nghèo khó để cho bé có môi trường học tập như bạn bè đồng trang lứa”.
Cô Nguyễn Thị Minh (ngụ Quận 5), một trong những tình nguyện viên lớn tuổi ở bếp ăn, tâm sự: “Tôi đặc biệt ấn tượng với bé Như, bé rất giỏi và thạo việc. Tuy nhỏ xíu, nhưng làm việc không thua gì người lớn. Bé có thể ngồi sơ chế rau củ quả hàng giờ mà ít người lớn nào ngồi lâu được như vậy. Dù chỉ mới 10 tuổi nhưng bé có thể làm những việc đòi hỏi sự tỉ mẩn một cách trơn tru, nhanh chóng như đầu bếp lành nghề. Đặc biệt, bé còn biết quan tâm đến người khác, nhiều khi thấy cô chú làm mệt bé tự động vào trong lấy nước bưng ra cho mọi người uống”.
Vừa thấy Quỳnh Như ngồi gọt cà rốt, xắt bắp cải, khoai tây… phía trước, thoắt cái cô bé đã trong bếp ngồi buộc mấy bịch nước mắm rồi cùng phụ mọi người phân chia những suất cơm nóng hổi để sẵn sàng chuyển đến những khu cách ly trên địa bàn thành phố.
Chị Đỗ Thị Ngọc Phượng, chủ nhà hàng chay thiện nguyện Mãn Tự cho biết: “Bốn lần bùng phát dịch là bốn lần bếp ăn thiện nguyện này đỏ lửa. Tôi cảm thấy dịch lần này phức tạp và khó khăn hơn. Ngày trước, tôi làm mỗi ngày khoảng 500-600 phần, nhưng đến nay đã tăng lên 1.000 rồi tăng lên hơn 5.000 phần ăn mỗi ngày. Tôi luôn nghĩ mình sẽ tận tâm, tận lực giúp cho những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch và bà con ở khu cách ly có hoàn cảnh khó khăn có những bữa ăn ngon, ấm áp tình người. Đây cũng là cách mình động viên với nhau cùng vượt qua đại dịch”.
“Tôi mong muốn cho đất nước mình được bình an, vượt qua COVID-19 để bà con trở lại với cuộc sống bình thường và tôi cũng hy vọng cả nhà cùng chung tay, ai có công thì góp công, còn ai có nguyên liệu, vật phẩm thì mang đến góp cho bếp ăn để tôi có thể làm thêm những phần ăn gửi tới nhiều người hơn…”, chị Phượng tâm sự.