Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, một số đại biểu Quốc hội...
Tọa đàm nhằm trao đổi ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý và thông điệp đến gia đình, xã hội về tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; góp phần bảo vệ an toàn hơn cho gia đình và xã hội.
Thông tin tại Tọa đàm, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, số liệu cập nhật trong 11 tháng năm 2020 cho thấy, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 156.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 1.057 lái xe khách, 7.736 lái xe tải, 12.071 lái xe con. So với cùng kỳ năm 2019, số trường hợp vi phạm nồng độ bị xử lý tăng hơn 5.000 trường hợp, tăng 3,2%.
“Như vậy, các trường hợp bị xử lý chỉ có tăng lên, không hề giảm. Riêng tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia có 313 vụ, chiếm 3,94%”, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết.
Theo Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông đến các địa phương là triển khai kiểm tra, xử lý mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, thời gian cụ thể như tăng cường tuần tra kiểm soát vào buổi tối - thời gian sử dụng rượu, bia nhiều nhất; ưu tiên các tuyến quốc lộ xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia... Tuy nhiên, khó khăn là do văn hóa sử dụng rượu, bia có từ rất lâu đời. Nếu như trước kia, phương tiện tham gia giao thông chủ yếu là xe đạp, đi bộ… ảnh hưởng rất ít, thì nay việc sử dụng phương tiện giao thông có tốc độ cao là phổ biến nên tai nạn giao thông xảy ra nhiều hơn.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý lái xe đã sử dụng rượu, bia. Trung bình để xử lý nồng độ cồn đối với một trường hợp phải mất 2 tiếng. Với số lượng người vi phạm nêu trên, tính ra hơn mất 300.000 giờ/năm. Bên cạnh đó, một trường hợp vi phạm về nồng độ cồn phải có 5 cán bộ để thực hiện, trung bình mất gần 1,6 triệu lượt cán bộ xử lý vấn đề này trong một năm.
“Hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông được tập huấn theo quy chuẩn, có kinh nghiệm quốc tế, trường hợp xử lý nồng độ cồn đều có dữ liệu ghi lại qua camera. Chúng tôi sẽ không nhân nhượng đối với trường hợp vi phạm về nồng độ cồn”, Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh. Ông cũng cho hay, rất muốn có hướng dẫn về xử lý nồng độ cồn đến ngưỡng nào phải xử lý hình sự. Hiện Cục Cảnh sát giao thông đang đề xuất về ngưỡng xử lý hình sự với người vi phạm nồng độ cồn nhưng chưa được thông qua.
Nhắc lại vụ tai nạn giao thông thương tâm do tài xế vi phạm nồng độ cồn xảy ra tại hầm Kim Liên (Hà Nội) làm 2 phụ nữ tử vong, vụ tai nạn trên đường Láng đã cướp đi sinh mạng của một nữ lao công là lao động chính trong gia đình, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng chia sẻ, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 244/QĐ-TTg về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Sau đó Quốc hội đã xây dựng Luật Phòng, chống tác hại rượu bia. Trong quá trình thảo luận về dự án Luật này, mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, song, hình ảnh vụ tai nạn giao thông ở hầm Kim Liên khiến 2 phụ nữ tử vong thực sự đã tạo giọt nước tràn ly, củng cố quyết tâm của đại biểu Quốc hội về ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia.
Khi Luật có hiệu lực, cũng có nhiều ý kiến phản đối bởi những quy định khắt khe bậc nhất thế giới. “Tuần đầu tiên khi thực hiện, tôi nhận được hơn 100 tin nhắn, có những người phản ứng rất dữ dội. Tuy nhiên, sau khoảng 2 tuần, dư luận bắt đầu có xu hướng đổi chiều và sự ủng hộ của nhân dân tăng dần”, ông Khuất Việt Hùng nói. Ông cũng khẳng định sẽ cố gắng quyết tâm duy trì thực hiện Nghị định 100/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) để góp phần thực hiện tốt Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là giúp cho người dân thay đổi hành vi, nhận thức. Nghị định 100 với những chế tài tăng mức phạt so với trước đây, đánh vào kinh tế của từng người đã góp phần thay đổi ngay lập tức nhận thức của người dân.
Tết Nguyên đán 2020, khi Nghị định 100 có hiệu lực, là cái Tết ảm đạm của ngành rượu bia, mọi người không còn lạm dụng rượu, bia nữa. Rõ ràng, Nghị định 100 đã tác động làm thay đổi nhận thức của người Việt Nam trong sử dụng rượu, bia. Điều đó thể hiện qua 3 việc, “uống có trách nhiệm”, “sản xuất có trách nhiệm”, “buôn bán có trách nhiệm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định.
Theo ông Đặng Thuần Phong, các ngành chức năng phải ban hành thêm nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện và các giải pháp phòng ngừa đi theo cho đồng bộ. Gần đây nhất, pháp luật đã có quy định xử phạt đối với người có hành vi lôi kéo người khác uống rượu. Thông điệp thay đổi nhận thức, hành vi của người dân của chúng ta đã thành công.