Bảo vệ trẻ em và người yếu thế - tính nhân văn trong dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, xuất phát từ nguyên tắc cơ bản là bảo vệ quyền con người, dự án Luật đã có nhiều quy định để đảm bảo cho trẻ em và nhóm người yếu thế được ưu tiên, quan tâm, bảo vệ khi tham gia giao thông. Dự án Luật quy định quy tắc chung cơ bản là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho người đi bộ, người đi xe đạp, trẻ em, người già và người khuyết tật.

Đặc biệt, dự án Luật dành riêng một điều (Điều 13) để quy định về người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông. Trong đó, người khuyết tật, già yếu, trẻ em đặc biệt được quan tâm với những quy định rất nhân văn, như trẻ em, người khiếm thị, người mắc bệnh tâm thần, hạn chế về mặt trí tuệ  phải có người dắt khi qua đường hoặc khi tham gia giao thông. Mọi người đều phải có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, người già yếu, trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường. Quy định này xuất phát từ đạo nghĩa, từ ý thức nhân văn của người Việt Nam và phù hợp với công ước Quốc tế về giao thông đường bộ (Công ước Viên năm 1968).

Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ bắt buộc người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường an toàn. Quy định này không chỉ áp dụng tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, mà tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, nếu quan sát thấy người đi bộ hoặc nhóm người yếu thế đi qua đường, người điều khiển phương tiện cũng phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho họ (khoản 5, Điều 10). Ngay đối với trường hợp nơi có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy được đi, người điều khiển phương tiện cũng phải chú ý quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ qua đường (khoản 2, Điều 12).

Với quy định: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật trong đào tạo lái xe” (khoản 4, Điều 5), dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phép người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp giấy phép lái xe phù hợp với loại xe, tình trạng khuyết tật và cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định của ngành y tế. Quy định này được xem là tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển phương tiện dành cho người khuyết tật, tạo điều kiện cho người yếu thế khi tham gia giao thông. Không chỉ với mô tô, hiện nay trên thế giới đã phát triển rất nhiều loại xe dành cho người khuyết tật, trong đó có các phương tiện ô tô có thiết kế phù hợp.

Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng đề ra hàng loạt quy định về bảo vệ trẻ em, gồm: không để trẻ em ngồi hàng ghế trước (vị trí ghế cạnh người lái xe) trên xe ô tô khi tham gia giao thông đường bộ. Đối với trẻ em dưới 4 tuổi, phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em. Kết hợp với các quy định khác về quy tắc tham gia giao thông đường bộ, quy định về bảo vệ trẻ em này không chỉ là việc tiếp thu quy định của Công ước Viên năm 1968, mà còn đặt trẻ em - thế hệ tương lai - vào vị trí trung tâm cần được bảo vệ an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Đại biểu Quốc hội: Cơ sở gây ô nhiễm phải bị cắt điện, nước và đình chỉ hoạt động
Đại biểu Quốc hội: Cơ sở gây ô nhiễm phải bị cắt điện, nước và đình chỉ hoạt động

Chia sẻ quan điểm bên lề Kỳ họp ngày 22/10, các đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được người dân quan tâm, vì vậy, quá trình tổ chức thực hiện là rất quan trọng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN