Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan, đại diện Công ty cổ phần Hồng Phúc, Công ty TNHH An Bình Phú Yên, Hợp tác xã Kinh doanh tổng hợp Đông Hòa An (các doanh nghiệp này được UBND tỉnh Phú Yên cấp phép khai thác khoáng sản bờ tả sông Ba) rà soát, xác định và thống nhất chi phí bồi thường, hỗ trợ, các kiến nghị đề xuất đối với việc thu hồi các mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường thuộc phạm vi thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ, thời gian thực hiện hoàn thành trước ngày 18/8/2019.
Giao UBND huyện Phú Hòa chủ trì phối hợp với, Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng tỉnh hoàn tất thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án trước ngày 31/8/2019; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án trước mùa mưa lũ.
Trước đó, ngày 7/8, Thông tấn xã Việt Nam đã có bài viết “Doanh nghiệp khai thác cát cản trở thi công dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba” phản ánh việc tỉnh Phú Yên chậm xử lý, thu hồi giấy phép khai thác cát đã cấp cho 3 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Hồng Phúc, Công ty TNHH An Bình Phú Yên, Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Đông Hòa An (do tỉnh Phú Yên đã cấp cho các doanh nghiệp này trước khi thực hiện dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba, vẫn chưa hết thời gian được cấp phép khai thác cát).
Do vậy các doanh nghiệp này vẫn vô tư khai thác cát trong lòng dự án đưa ra bên ngoài tiêu thụ và có hành vi cản trở chủ đầu tư thi công dự án, trong khi để thực hiện dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba chủ đầu tư sẽ phải bỏ kinh phí để san lấp mặt bằng vị trí các doanh nghiệp khai thác cát trước đó, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Dự án kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp phát triển hạ tầng đô thị từ cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ có mức đầu tư 816 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Phú Yên, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư.