Theo đơn kiến nghị mà ông Lê Hoàng Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bích Hợp cung cấp cho báo chí, chủ đầu tư cho rằng, kết luận của Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên tại báo cáo số 371/BC-SXD có nhiều nội dung bất lợi cho công ty.
Đơn kiến nghị nêu rõ: Công ty TNHH Bích Hợp đã thực hiện dự án nhìn chung phù hợp theo quy định của pháp luật. Điều này đã được Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh Phú Yên và hơn 20 cuộc kiểm tra lớn, nhỏ của các ngành (đặc biệt là Sở Xây dựng) xác nhận gần 4 năm qua. Chỉ có một số sai sót nhỏ về áp dụng giá bán đã được công ty khắc phục và rút kinh nghiệm vào tháng 9/2017.
Tới thời điểm hiện nay, dự án gần như đã hoàn tất, Sở Xây dựng đột nhiên đề nghị xử phạt. Điều này đã làm cho công ty vô cùng hụt hẫng…
Nội dung báo cáo số 371/BC-SXD của Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên đã được công bố rộng rãi, dẫn đến những hành động hết sức tiêu cực. Người dân đã tiến hành lập các tổ, thuê các hãng luật để đồng loạt khởi kiện doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng tiến hành siết chặt quản lý dòng tiền doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp không thể thu hồi tiền đầu tư vào dự án.
Vì vậy, Công ty TNHH Bích Hợp mong muốn ông Phạm Đại Dương - Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Chí Hiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì thực hiện buổi đối thoại để giải quyết khó khăn vướng mắc.
Giải thích về việc dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương có 78 căn được chủ đầu tư chuyển từ hình thức cho thuê sang hình thức bán, ông Lê Hoàng Thông - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bích Hợp cho biết: Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về nhà ở xã hội thì để có hạng mục cho thuê thì phải có 3 điều kiện.
Cụ thể, dự án phải có 20% nhà ở thương mại nhằm mục đích có thêm lợi nhuận để bù đắp vào chi phí cho thuê. Cùng với đó, Nhà nước phải hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật để làm việc này. Tuy nhiên, ngân sách của tỉnh Phú Yên hạn chế nên phần này là hết sức khó khăn. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách phải cho doanh nghiệp vay vốn dài hạn, giá rẻ.
Tuy nhiên, cả 3 điều kiện này ở dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương đều không có. Khi tính toán giá cho thuê để thu hồi vốn thì giá là khoảng 8 triệu đồng/tháng và Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên cũng đã thống nhất việc này. Với mức sống ở tỉnh Phú Yên thì giá thuê này không thể làm được. Chủ đầu tư đã ý kiến về vấn đề này không dưới 20 lần nhưng chưa được chấp thuận.
Đối với nội dung Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên kết luận, chủ đầu tư chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai (ở khu B), ông Lê Hoàng Thông khẳng định, theo Luật Nhà ở thì sau khi đầu tư trong cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư xong hạng mục nhà hoàn toàn đủ điều kiện để bán.
Trước đó, ngày 6/8/2019, TTXVN có bài phản ánh "Nhiều vi phạm tại dự án nhà ở xã hội Nam Hùng Vương".
Theo đó, sau khi rà soát, kiểm tra tình hình sử dụng nhà ở tại dự án này, Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên đã có kết luận, chủ đầu tư có nhiều vi phạm trong việc ký hợp đồng mua bán và bàn giao nhà.
Cụ thể: đối với 139 căn hộ ở khu B chưa đủ điều kiện để chủ đầu tư bán nhà ở hình thành trong tương lai nhưng chủ đầu tư đã thỏa thuận và ký hợp đồng mua bán và bàn giao nhà là không đúng quy định.
Ngoài ra, tại khu B có 78 căn nhà để cho thuê nhưng chủ đầu tư đã chuyển đổi từ hình thức thuê sang hình thức bán. Việc làm này cũng không có cơ sở pháp lý.
Theo quy định tại Khoản 6, Điều 62 của Luật Nhà ở năm 2014 thì các hợp đồng mua bán, cho thuê giữa chủ đầu tư với các đối tượng thuê, mua nhà đối với các căn nhà ở khu B là không có giá trị pháp luật.
Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên đã yêu cầu chủ đầu tư hủy toàn bộ các hợp đồng mua bán nhà và xử lý tiền mua nhà theo quy định pháp luật về dân sự. Nếu là hợp đồng thuê nhà thì xử lý theo quy định tại Điều 135 của Luật Nhà ở năm 2014.
Theo ông Huỳnh Lữ Tân, Giám đốc Sở Xây dựng, Sở đã báo cáo cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên sự việc này và đang chờ chỉ đạo giải quyết.
Phóng viên TTXVN sẽ tiếp tục cập thông tin mới liên quan tới vụ việc.