Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả như: Giáo dục, du lịch... trong đó, nổi bật là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,46% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11% so cùng kỳ năm trước; sản lượng lương thực ước đạt 268 nghìn tấn. Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, toàn tỉnh đón gần 3 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 7.400 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện được gần 6.500 tỷ đồng.
Tuy vậy, Bình Thuận vẫn gặp phải một số điểm nghẽn như: chồng lấn quy hoạch khai thác titan, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, cải cách thủ tục hành chính… Vì vậy, để đạt và vượt các chỉ tiêu trọng tâm, từ nay đến cuối năm 2019, Bình Thuận tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, các cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm như: Sân bay Phan Thiết, hồ Ka Pét; xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành dịch vụ logistics; triển khai có hiệu quả "Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2030"... Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường.
Đề cập đến vấn đề quản lý, kinh doanh bất động sản trên địa bàn, ông Cao Sơn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết: Sở Xây dựng đã ban hành 15 văn bản khuyến cáo, nhắc nhở các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản yêu cầu chấp hành nghiêm túc pháp luật trong quá trình đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, Sở đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý các khu dân cư tự phát, khu dân cư không có thật.
Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ rà soát lại các dự án đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện theo Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản… để đưa ra hướng giải quyết. Đồng thời, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bất động sản qua đó chấn chỉnh các hoạt động giao dịch bất động sản. Chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan và báo chí cảnh báo, tuyên truyền người dân không tham gia buôn bán, giao dịch các dự án chưa đủ điều kiện.
Tỉnh Bình Thuận hiện có 32 dự án kinh doanh bất động sản đã được chấp thuận đầu tư gồm: 26 dự án phát triển đô thị (dự án phân lô chuyển nhượng đất nền); 2 dự án nhà ở xã hội; 2 dự án nhà ở công nhân và 2 dự án nhà ở thương mại. Trong đó, 17 dự án đã được giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; 4 dự án phát triển đô thị đủ điều kiện kinh doanh gồm: Khu dân cư Tân Việt Phát 1 tại phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết; Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết tại phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết; Khu dân cư Bông Vải tại thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh và Khu dân cư Dâu Tằm tại xã Tân Phước, thị xã La Gi. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 42 dự án du lịch nghỉ dưỡng có kết hợp kinh doanh bất động sản, trong đó trên địa bàn thành phố Phan Thiết có 22 dự án.
Bên cạnh đó, các vấn đề về xây dựng trái phép trong hành lang cao tốc Bắc – Nam đoạn qua huyện Bắc Bình; tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết… cũng được thông tin, trao đổi tại buổi họp báo.