Ngày 27/9, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Hủy hoại tài sản”, “Mua bán, tàng trữ trái phép vật liệu nổ” đối với Nguyễn Đình Thành (Sinh năm 1996, trú tại xã Châu Quang, Quỳ Hợp) và Nguyễn Văn Hiệp (Sinh năm 1999, trú xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp).
Theo cáo trạng, do thiếu tiền tiêu xài, nên ngày 21/12/2017, Thành rủ Hiệp mang mìn đi nổ trụ ATM. Sau khi nghiên cứu kỹ càng, cả hai chọn trụ ATM của Ngân hàng Công Thương Việt Nam ở đường Sào Nam, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò để hành động.
Đến khoảng 2 giờ sáng, hai thanh niên này đã thực hiện vụ nổ mìn như kế hoạch. Thành có nhiệm vụ cảnh giới, Hiệp đưa quả mìn dán vào mắt camera trụ ATM gây nổ.
Vụ nổ gây hư hại nặng máy rút tiền tự động, nhưng hộc đựng tiền của máy rất chắc chắn khiến cả hai không lấy được tiền. Lúc này, người dân sống quanh khu vực đó nghe thấy tiếng nổ lớn, chạy ra đường. Sợ bị lộ, Thành và Hiệp lên xe tẩu thoát khỏi hiện trường.
Ngày 16/1/2018, Nguyễn Đình Thành và Nguyễn Văn Hiệp bị Công an huyện Nghĩa Đàn bắt giữ khi đang có hành vi tàng trữ 1,6 kg vật liệu nổ. Từ đây, hành vi đặt mìn gây nổ phá trụ ATM bị bại lộ.
Trong phiên tòa sơ thẩm ngày 28/6, TAND thị xã Cửa Lò đã tuyên phạt Nguyễn Đình Thành 4 năm 3 tháng, Nguyễn Văn Hiệp 3 năm 4 tháng cho cả hai tội danh “Hủy hoại tài sản” và “Tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”.
Sau khi trụ ATM bị phá hủy, theo điều khoản hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết trước đó, Tổng công ty bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã bồi thường cho phía ngân hàng 270 triệu đồng.
Theo kết quả định giá tài sản, Hội đồng xét xửu (HĐXX) cấp sơ thẩm buộc 2 bị cáo phải bồi thường 181 triệu đồng thiệt hại đã gây ra cho công ty bảo hiểm.
Hai bị cáo không có kháng cáo bản án sơ thẩm. Phía Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cũng không có ý kiến gì về bản án.
Tổng công ty bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã có kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường lên 317 triệu đồng.
Theo đại diện của công ty bảo hiểm thì số tiền mà đơn vị này đưa ra là giá trị tài sản được định giá vào thời điểm ngay trước tổn thất. Trong quá trình điều tra, công ty bảo hiểm không được tiếp cận kết quả định giá tài sản của cơ quan chức năng, nên không lấy kết quả định giá này làm căn cứ bồi thường cho phía ngân hàng. Việc cấp sơ thẩm buộc các bị cáo bồi thường theo kết quả định giá tài sản của cơ quan chức năng đã gây thiệt hại cho công ty so với mức bồi thường theo điều khoản hợp đồng đã ký kết.
HĐXX nhận định cấp sơ thẩm căn cứ vào kết quả định giá tài sản sau khấu hao (trị giá 181 triệu đồng) để làm cơ sở buộc các bị cáo thực hiện trách nhiệm dân sự là phù hợp. Do đó cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của công ty bảo hiểm, tuyên y án sơ thẩm.