Qua đó, UBND tỉnh Tây Ninh xác định 2 công ty này đã có nhiều sai phạm khi thực hiện đề án; việc thẩm định, phê duyệt, thực hiện, kiểm tra, giám sát của ngành chức năng đối với đề án chưa chặt chẽ, còn nhiều thiếu sót.
Để đảm bảo mọi hành vi vi phạm được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục kiểm tra, xử lý Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Tây Ninh, xác định hành vi, hậu quả của việc nổ mìn xử lý đá ngoài phạm vi đóng cửa mỏ; khai thác trái phép tại bãi vật liệu... Với Công ty Cổ phần Hoa Cương Đất Việt, cần kiểm tra, xác định, xử lý 6.603 m3 đá khai thác ngoài ranh giới đóng cửa mỏ hiện nay...
Hoạt động xay đá sau khi nổ mìn tại các mỏ đá xung quanh núi Bà Đen. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN |
UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu 2 Công ty kể trên thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn, phục hồi đất đai theo đề án đóng cửa mỏ đã được phê duyệt, nhưng không được nổ mìn, không đưa khoáng sản (đá) ra khỏi khu vực mỏ. Trong trường hợp cần thiết phải nổ mìn xử lý đá phải có thẩm định, định vị và giám sát từng vị trí của Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng khác.
UBND tỉnh cũng quyết định thu hồi giá trị (bằng tiền) của hơn 32.000 m3 đá nguyên khai của Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Tây Ninh do công ty này tận dụng khai thác vượt mức cho phép; truy thu thuế tài nguyên đã kê khai không đúng chủng loại khoáng sản với số tiền hơn 274 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vượt mức phê duyệt của đề án.
Đồng thời, yêu cầu hội đồng thẩm định các đề án đóng cửa mỏ; kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan đến thiếu sót trong quá trình thẩm định, kiểm tra, giám sát, xử lý hoạt động đóng cửa mỏ và sai phạm của 2 Công ty; việc cấp phép sử dụng vật liệu nổ chưa chặt chẽ, chưa bảo đảm an toàn....
Theo kết quả thanh tra về hoạt động đóng cửa mỏ khai thác đá tại khu vực núi Bà Đen từ ngày 30/3/2017 đến ngày 14/4/2017 theo Quyết định số 494/QĐ-UBND, ngày 28/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tại 2 Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Tây Ninh ( khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) và Công ty Cổ phần Hoa Cương Đất Việt (ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) đã phát hiện nhiều sai phạm.
Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Tây Ninh, sau khi hết thời gian gia hạn khai thác khoáng sản (đá), ngày 29/1/2015 UBND tỉnh Tây Ninh đã ký Quyết định số 212/QĐ-UBND phê duyệt đề án đóng cửa mỏ trong thời gian 17 tháng kể từ 29/1/2015 đến 30/6/2016 gồm các công việc chính công ty phải thực hiện: Xử lý và tận dụng đá mồ côi, đá tảng xen kẹp 235.198 m3 đá nguyên khai (có nổ mìn); san phủ băng tầng và đáy mỏ 131.314 m3 bằng đất tầng phủ; trồng cây xanh cải tạo phục hồi môi trường (32.426 cây keo, sao, dầu) trên diện tích mỏ là 181.500m2.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tính đến thời điểm hết hạn đóng cửa mỏ (30/6/2017), Công ty chỉ thực hiện xử lý và tận dụng đá mồ côi, đá tảng xen kẹp vận chuyển về bãi tập kết của nhà máy để chế biến đem đi bán. Các công việc khác chỉ thực hiện rất ít; chưa trồng cây xanh cải tạo phục hồi môi trường.
Đáng chú ý là kiểm tra tại mỏ đá xây dựng 6A khu vực Đông Bắc Núi Phụng, đối chiếu trên bản đồ quy hoạch khai thác khoáng sản tại đây cho thấy diện tích khai thác đá của Công ty vượt ranh giới cho phép khoảng 21.146m2 (khoảng cách vượt ra ngoài ranh giới mỏ, nơi dài nhất là 93 mét).
Khối lượng đá Công ty khai thác trong quá trình xử lý đóng cửa mỏ đã vượt 32.166,57 m3 so với đề án được duyệt (đề án chỉ được tận thu 235.198 m3) và số lượng vật liệu nổ (thuốc nổ) sử dụng vượt 55.483 kg so với đề án được duyệt là vi phạm tại Điểm b, khoản 3 Điều 31 Nghị định số 163/2013 /NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp. Ngày 20/3/2017 trong quá trình nổ mìn khai thác đá tại mỏ 6A (khu vực Đông Bắc Núi Phụng) đã gây tai nạn chết người tại khu vực mỏ, ngay sau đó UBND tỉnh Tây Ninh đã tạm đình chỉ hoạt động đóng cửa mỏ của Công ty để đảm bảo công tác thanh tra, điều tra.
Đối với Công ty Cổ phần Hoa Cương Đất Việt, đoàn thanh tra ghi nhận trong quá trình hoạt động đóng cửa mỏ cũng đã không thực hiện đầy đủ theo yêu cầu và có nhiều vi phạm như khai thác đá ngoài phạm vi đóng cửa mỏ (6.603 m3); không thực hiện san phủ băng tầng và đáy mỏ bằng đất tầng phủ; không trồng cây xanh cải tạo phục hồi môi trường cảnh quan theo đề án được duyệt...
UBND tỉnh Tây Ninh cũng chỉ rõ những sai sót của cán bộ các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện đóng cửa mỏ, dẫn đến sai phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường không yêu cầu các công ty thực hiện ngay việc xây dựng đề án đóng cửa mỏ khi thời hạn khai thác đá theo giấy phép đã hết, để kéo dài (khoảng 17 tháng sau mới đề xuất đề án đóng cửa mỏ).
Trong quá trình đóng cửa mỏ, không thường xuyên kiểm tra, giám sát, khi kiểm tra mang tính hình thức, không có cơ sở rõ ràng. Do đó, các hành vi sai phạm của doanh nghiệp như khai thác ngoài phạm vi mỏ, tận dụng, tận thu đá vượt khối lượng, không phục hồi cảnh quan môi trường... chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.
Việc cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của Sở Công thương chưa sát thực tế, chỉ quy định về khoảng cách an toàn tối thiểu 300 mét đối với người, 200 mét đối với thiết bị công trình trong điều kiện mặt phẳng. Trong khi thực tế nổ mìn ở các đề án đóng cửa mỏ trên núi có sườn dốc, cao độ khác nhau, không tính đến bán kín vùng nguy hiểm theo quy định.
Trong quá trình phối hợp kiểm tra hoạt động đóng cửa mỏ, không phát hiện được việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp vượt mức cho phép tại Công ty Cổ phần vật liệu và Xây dựng Tây Ninh.
UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá: Sai phạm của các Công ty, nhất là Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng là nghiêm trọng, trong đó có việc lợi dụng một số nội dung chưa chặt chẽ trong việc thẩm định, phê duyệt đề án và kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng, do đó, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.