Từng lá bánh đa nem mỏng manh được nhấc lên đưa vào băng chuyền hơi nước, từng viên thịt dài được đặt lên miếng bánh đa ẩm, những chiếc nem Việt Nam được cuốn tự động bằng máy, dài cùng kích cỡ, tròn đều tắm tắp lần lượt ra đời, trong một giờ, máy có thể sản xuất đến 2.500 chiếc… Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu và phát triển, ước mơ của ông Pierre Auffret, người sáng lập ra công ty Bretinov, đã trở thành hiện thực: Nhà máy sản xuất băng chuyền cuốn nem tự động đầu tiên đã ra đời.
Ngày khai trương, ông chủ của nhà máy Bretinov, với gương mặt mãn nguyện và tự hào, dẫn quan khách đến từng căn phòng, giới thiệu những máy móc và công nghệ hiện đại. Tòa nhà mới rộng 2.100 m2 nằm trên khu đất 6.000 m2 ở khu công nghiệp Cleun Nizon, ở Pont-Aven, một xã của tỉnh Finistère, thuộc vùng Bretagne, miền Tây Bắc Pháp. Với số vốn đầu tư khoảng 3 triệu euro, sự ra đời của cơ sở sản xuất dây chuyền làm nem tự động này đánh dấu bước quan trọng trong sự phát triển của công ty. Với đầy đủ các văn phòng Thiết kế, Gia công, Chế tạo, Lắp ráp..., nhà máy được xây dựng theo các tiêu chuẩn an toàn về lao động và sức khỏe, bảo đảm môi trường làm việc lành mạnh cho nhân viên, đặc biệt là về khả năng thoát khói và tiếng ồn.
Tòa nhà được trang bị 1.100 m2 tấm pin Mặt Trời, cho phép công ty tự chủ một phần năng lượng điện, cùng đội ngũ nhân viên trẻ, năng động và sáng tạo, thể hiện mong muốn hướng tới tương lai và sự phát triển bền vững.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, cha đẻ của những chuỗi dây chuyền cuốn nem tự động, ông Pierre Auffret cho biết công ty Bretinov thành lập năm 2013, chuyên thiết kế, sản xuất và lắp đặt các loại máy chuyên dụng trong ngành thực phẩm. Khởi nghiệp từ việc sản xuất dây chuyền máy chiên tôm bao bột theo đơn đặt hàng của các đối tác Tây Ban Nha, công ty đã phát triển các sản phẩm khác theo nhu cầu khác hàng. Thế rồi từ đề xuất của một đối tác ở Paris, muốn có một dây chuyền cuốn nem tự động để tiết kiệm nhân công và sản xuất được nhiều hơn, ông Pierre Auffret đã cùng đội ngũ nhân viên nghiên cứu và phát triển trong nhiều năm.
"Một số người nghĩ ý tưởng của tôi là điên rồ vì không thể dùng máy để thay thế một việc mà theo truyền thống từ xưa tới nay chỉ làm được bằng tay. Điều đó đúng là không hề dễ dàng. Nhưng sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu và lắp đặt thử, sau nhiều lần thất bại, đến nay ước muốn của chúng tôi đã thành hiện thực. Và tôi rất tự hào khi có một đội ngũ đồng hành cùng tôi để đi đến thành công này”, ông tâm sự khi nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào triển khai dự án.
Anh Laurent Auffret, con trai ông, đồng thời cũng là Giám đốc thương mại của Bretinov, cho biết cụ thể hơn: "Chúng tôi đã phải mất 3 - 4 năm để nghiên cứu các quy trình, vì không dễ gì để thiết kế ra loại máy có thể chuyển những chiếc bánh đa nem rất mỏng manh của Việt Nam lên dây chuyền và cuốn gói nem bằng hệ thống tự động. Nhưng hiện giờ chúng tôi đã làm được. Quy trình được bắt đầu với việc nhấc từng chiếc bánh đa nem đưa vào dây chuyền, thấm nước để làm mềm, nhồi nhân, gấp lại và cuộn tròn. Ưu điểm của hệ thống này là thực hiện toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất nem bằng máy móc, nhưng vẫn tôn trọng tối đa các động tác gói nem truyền thống của Việt Nam và sử dụng được bánh đa nem Việt Nam, vốn rất mỏng”.
Anh Laurent Auffret cũng cho biết đến nay đã có khoảng 90 chiếc máy được xuất xưởng, trong đó phần lớn là phục vụ thị trường Pháp. Những chiếc máy mang nhãn hiệu Bretinov đang cung cấp khoảng 1 triệu chiếc nem mỗi ngày cho người tiêu dùng. Không chỉ ở Pháp, máy cuốn nem tự động đã được bán sang thị trường Hungary, CH Séc, Israel. Công ty có 24 nhân viên với doanh thu ước đạt 3,2 triệu euro vào năm 2024. Những chiếc máy cuốn nem với công suất lên tới 2.000 - 2.500 chiếc nem/giờ, được coi là sản phẩm chủ lực của công ty. Ngoài ra, Bretinov dự kiến cuối năm nay sẽ cho ra mắt máy cuốn nem phiên bản thu nhỏ và bán tự động của với công suất sản xuất 500 - 1.000 chiếc nem/giờ, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ các nhà hàng, các cửa hàng chế biến thực phẩm vừa và nhỏ.
Tự hào về sản phẩm của mình, ông Pierre Auffret cho biết nhu cầu hiện rất lớn và điều này cho thấy chất lượng sản phẩm của Bretinov đã được công nhận trên thị trường. Ông bày tỏ: "Trong tương lai, tôi muốn mở rộng hơn, xuất khẩu tới các nước xa hơn, và tôi đã nghĩ đến thị trường Việt Nam. Quả thật người Việt Nam đã mang đến cho chúng tôi một món ăn rất được ưa thích. Nhưng có thể các bạn sẽ cần có những chiếc máy làm ra chúng để giải phóng sức lao động. Trong gia đình, người ta có thể gói 20 - 30 cái nem thì được, nhưng với một nhà máy sản xuất nem thì việc gói hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn chiếc nem mỗi ngày sẽ rất vất vả và đòi hỏi nhiều nhân công. Và nếu kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam của chúng tôi thành công thì tôi sẽ rất lấy làm vinh dự”.
Trước đó, hồi tháng 4/2024, lãnh đạo công ty Bretinov đã mang sản phẩm của mình tới Hội chợ triển lãm quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, với mục đích giới thiệu tới các doanh nghiệp Việt Nam về dây chuyền sản xuất nem này. Laurent Auffret tâm sự: "Người Việt Nam có một nền văn hóa ẩm thực rất phong phú. Người Pháp chúng tôi thích ăn ngon, do đó chúng tôi rất thích Việt Nam. Tôi còn muốn khám phá nhiều hơn nữa về Việt Nam, nhưng trước mắt sẽ phải tập trung vào công việc đã và tôi hy vọng sẽ quay lại Việt Nam trong vài tuần tới”.
Ông Vũ Anh Sơn, Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pháp, khẳng định mô hình của Bretinov là một minh chứng cho sự kết hợp giữa món ăn truyền thống của Việt Nam với hiểu biết công nghệ của một doanh nghiệp Pháp, góp phần lan tỏa văn hóa từ một món ăn nói riêng, và giúp hàng hóa Việt Nam nói chung tiếp cận được tới đông đảo người tiêu dùng tại Pháp. Tới đây doanh nghiệp Bretinov sẽ phát triển mô hình này tại Việt Nam và điều đó càng khẳng định hơn nữa mối quan hệ hợp tác sâu, rộng giữa hai nước, cũng như tiềm năng trao đổi thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Pháp.
Nem là một món ăn truyền thống của người Việt Nam, máy sản xuất nem là công nghệ sáng tạo của người Pháp. Hy vọng với sự giao hoà giữa truyền thống Việt và hiện đại Pháp, thế giới sẽ biết nhiều hơn nữa tới nem Việt Nam.