Bánh khoái tép là món ăn được làm từ những nguyên liệu dân dã như bột tẻ, rau cần, bắp cải, hành và đặc biệt không thể thiếu tép đồng tươi. Ở vùng đất phía bắc của miền Trung này, nơi rừng, biển, đồng bằng liền dải, trong mỗi chiếc bánh khoái như chứa trọn vẹn mọi sản vật gần gũi với đời sống người dân.
Nhưng dù dễ kiếm, những nguyên liệu làm bánh khoái lại đòi hỏi phải lựa chọn, chuẩn bị cẩn thận. Gạo làm bột bánh phải là chọn kỹ thì bánh mới khô và giòn. Gạo tẻ sau khi ngâm sẽ được xay nhuyễn thành bột nước, tráng thật mỏng lên chảo tạo thành lớp vỏ bánh giòn rộm. Tép đồng phải là mớ được mua từ sáng sớm, nhảy tanh tách, sau đó ướp gia vị và xào chín. Rau cần và bắp cải rửa sạch, rau cần bỏ lá, còn thân cắt khúc vừa ăn, bắp cải được thái sợi mỏng. Tùy vào sở thích của thực khách, người chế biến có thể đập thêm một quả trứng gà vào bột bánh, để chiếc bánh thêm phần thơm ngon.
Chị Trang, chủ một hàng bánh khoái trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Thanh Hóa, người đã 13 năm “đứng bếp”, cho biết: Những chiếc bánh khoái “đạt chuẩn” là phải được tráng mỏng, càng mỏng càng tốt, giòn mà không bị cháy. Chiếc chảo tráng bánh phải là chảo gang sâu lòng, càng lâu năm sử dụng càng cho ra những chiếc bánh ưng ý.
Video chia sẻ quá trình làm bánh khoái tép:
Một chiếc bánh khoái thường được bán với giá từ 5.000 – 15.000 đồng tùy nơi và tùy loại bánh không trứng hoặc có trứng – một mức giá bình dân phù hợp với đại đa số người con xứ Thanh. Trước đây, món ăn này thường được ưa chuộng vào những ngày trời trở lạnh, phần vì bánh khoái tép phải ăn nóng mới ngon, phần vì bánh phụ thuộc vào bột gạo, cũng như mùa đông là mùa rau bắp cải và rau cần. Nhưng do nhu cầu của thực khách mà ngày nay, bánh khoái cũng được thưởng thức vào cả những ngày mùa hè nóng nực.
Bánh khoái tép ngon nhất là khi được ăn nóng, chính vì vậy mà chỉ khi có khách đến ăn, chủ quán mới bắt đầu làm bánh. Tuy nhiên, khách không cần phải chờ đợi lâu. Đôi tay điêu luyện của người thợ nhanh chóng tráng một lớp dầu mỡ mỏng dàn đều lên mặt chảo, rải đều rau cần, bắp cải và không thể thiếu những con tép đồng làm nhân, cuối cùng là rưới một lớp nước bột gạo làm vỏ bánh, chờ khoảng 1 phút rồi lật bánh, đợi bánh chín đều rồi cho lên đĩa là có thể ăn được ngay. Bánh khoái tép nóng hổi giòn thơm thường được ăn kèm với nước mắm pha chua ngọt và dưa góp được làm từ đu đủ, cà rốt, thêm chút sung muối, một chút vị chua của chanh hoặc quất và chút cay của tiêu ớt.
Thưởng thức bánh khoái tép là thưởng thức bằng cả vị giác, khứu giác, và thính giác. Bánh thường được bán ở những góc phố, mùi bánh thơm lừng đánh thức khứu giác của mọi người đi ngang qua. Cắn một miếng, vị ngọt của bắp cải, vị thanh mát của rau cần cùng vị bùi thơm của tép hòa quyện với nhau, cùng vỏ bánh giòn tan tạo nên những cảm nhận thú vị. Đây là món ăn vừa có thể ăn no mà không bị ngấy bởi dầu mỡ, vừa có thể ăn nhẹ cùng với bạn bè khi đi chơi, đi du lịch.
Bạn Mai Chi (THPT Đào Duy Từ, Thanh Hóa) chia sẻ: “Thường thì mình hay đi ăn bánh khoái vào buổi tối muộn, sau khi ăn cơm xong cùng gia đình, hoặc tầm 5 giờ chiều – lúc vừa tan học, bụng đang đói. Đối với người Thanh Hóa, bánh khoái tép là một món ăn dân dã, không cần sơn hào hải vị gì cầu kì nhưng mọi nguyên liệu đều được kết hợp hài hòa nên bánh vẫn mang hương vị thơm ngon riêng mà không nơi nào khác có được.”
Sau 3 giờ chiều đến tối, bánh khoái được bán nhiều ở chợ Vườn Hoa, các con phố Trường Thi, Đào Duy Từ, Hàn Thuyên… Nếu nem chua là đặc sản có thể mua về làm quà thì bánh khoái lại là đặc sản chỉ có thưởng thức ngay tại địa phương mới cảm nhận được trọn vẹn vị ngon của món ăn này – một nét đẹp độc đáo và sáng tạo trong ẩm thực của người dân Thanh Hóa.