Nhiều hoạt động, chương trình, dự án hợp tác quốc tế đã và đang được ngành Y tế Hà Nội, các bệnh viện Trung ương, bệnh viện tư nhân đóng trên địa bàn Thủ đô triển khai hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh.
Bước tiến chuyển giao kỹ thuật cao
Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong thời kỳ mở cửa và hội nhập, đặc biệt là trong xu thế toàn cầu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã hợp tác với nhiều đối tác trên khắp thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Đức, Pháp… để chuyển giao kỹ thuật cao.
Thành công của ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não ở Việt Nam do các chuyên gia của Bệnh viện Foch (Pháp) phối hợp cùng các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện được đánh giá là thành tích đặc biệt xuất sắc của các nhà khoa học Bệnh viện, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ kỹ thuật, năng lực chuyên môn của các y, bác sỹ, một dấu son trong lịch sử y học nước nhà bởi ghép phổi từ người cho chết não được đánh giá là kỹ thuật y học khó bậc nhất hiện nay.
Đối tác hàng đầu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện nay là Nhật Bản - quốc gia có nền y học phát triển bậc nhất trên thế giới, cái nôi của nhiều giải thưởng khoa học cao quý và các sáng kiến kỹ thuật trong Y học. Bệnh viện được lựa chọn là đối tác của các trung tâm, bệnh viện và trường đại học hàng đầu tại Nhật Bản… Thông qua các chương trình hợp tác, nhiều bác sỹ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã được đi học tập, đào tạo chuyển giao kỹ thuật, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lâm Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bác sỹ Nhật Bản được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn cao, mọi kỹ thuật đều được quy trình hóa nên kết quả điều trị cho bệnh nhân khá tốt, thời gian bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật ngắn hơn. Tỷ lệ tai biến và biến chứng thấp hơn so với bác sỹ của Việt Nam thực hiện.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Trưởng Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thời gian qua, các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản đã có những đợt phẫu thuật phối hợp chuyển giao kỹ thuật tiên tiến nhất trong điều trị ung thư đường ống tiêu hóa cho khoa, trong đó ung thư thực quản và ung thư dạ dày. Đây là bệnh mà Nhật Bản có tỷ lệ mắc nhiều nhất thế giới, vì thế kỹ thuật của họ cũng phát triển và đi đầu thế giới.
Qua các đợt hợp tác, các bác sỹ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã học hỏi được kỹ thuật tiên tiến nhất, đặc biệt kỹ thuật về nạo vét hạch để áp dụng cho người bệnh. Hiện tại, các kỹ thuật điều trị ung thư dạ dày, thực quản của Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang ở vị trí đỉnh cao tương tự như các kỹ thuật nước bạn đang thực hiện.
“Các chuyên gia Nhật Bản khi mới sang đây thường e ngại trình độ của phẫu thuật viên cũng như trang thiết bị của Bệnh viện không đủ cho họ thực hiện phẫu thuật nên thường phải đi cả ê kíp với dụng cụ rất cồng kềnh, chi phí tốn kém. Khi trực tiếp làm việc với các phẫu thuật viên Việt Nam, họ hoàn toàn tin tưởng có thể phối hợp tốt”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, với kết quả hợp tác thực sự hiệu quả, Khoa tiếp tục ưu tiên hợp tác với các chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản. Khi có kỹ thuật mới hoặc vấn đề mới mà phía Nhật Bản đề xuất và phát triển, Khoa sẽ mời các chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật đó của Nhật Bản sang phẫu thật để cả ê kíp của Bệnh viện có thể học hỏi được từ một phẫu thuật viên của Nhật Bản, điều này thực sự rất hiệu quả. Cùng với đó, Khoa có chủ trương đưa cán bộ sang Nhật để học tập những kỹ thuật đỉnh cao nhất. Phía Nhật Bản sẵn sàng mở rộng đón tiếp và tạo điều kiện tối đa cho Bệnh viện.
Mới đây, Viện Hàn lâm quốc tế về khoa học hệ thống (MASI) Liên bang Nga, Trường Đại học Tổng hợp công nghệ hóa học mang tên Mendeleev và Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) đã tổ chức ký kết hợp tác, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao cho Việt Nam nhiều công nghệ mới trong các lĩnh vực gồm công nghệ thông tin, môi trường và y tế. Đặc biệt là công nghệ cầm máu vết thương, vết mổ trong khoảng 10 - 30 giây, không cần băng bó. Đây là công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay, hỗ trợ hiệu quả cho công tác điều trị, khám chữa bệnh, xử lý vết thương tại chỗ.
Là bệnh viện ngoài công lập, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông với mô hình bệnh viện 5 sao sau khi khai trương đầu năm 2019 cũng đã ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao với Công ty Philips Việt Nam để đưa công nghệ, hệ thống y tế kỹ thuật cao vào hoạt động, phục vụ công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện. Trong khuôn khổ dự án, Công ty Philips Việt Nam tư vấn, cung cấp giải pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến nhất hiện nay từ hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5T, hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt, thiết bị chụp cánh tay C trong phòng mổ, thiết bị chụp nhũ ảnh tới các thiết bị siêu âm, X-quang kỹ thuật số...
Đây là những thiết bị y tế hiện đại đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, sẽ góp phần hỗ trợ các bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông trong chẩn đoán và đưa ra những quyết định điều trị chính xác đối với người bệnh.
Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội cũng là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng kỹ thuật cao vào công tác khám chữa bệnh. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng cho biết, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội đã tiếp nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật mới như: Phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu cắt đại - trực tràng trong điều trị ung thư, kỹ thuật điều trị rò hậu môn bằng phương pháp nội soi lỗ rò, kỹ thuật phẫu thuật qua đường tự nhiên không để lại sẹo... và nhiều kỹ thuật cao chuyên sâu khác.
Đặc biệt, từ cuối năm 2017, Trung tâm đã áp dụng thành công kỹ thuật ozon điều trị giảm đau cơ xương khớp và thoát vị đĩa đệm qua da, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Tình trạng bệnh được cải thiện nhanh, không có biến chứng, khả năng phục hồi nhanh. Bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú và chi phí thấp hơn nhiều so với phẫu thuật.
Thu hút bệnh nhân
Việc tăng cường chuyển giao kỹ thuật cao với các nền y tế hiện đại trên thế giới cũng như giữa tuyến bệnh viện Trung ương và địa phương đã nâng chất lượng dịch vụ y tế của các bệnh viện ở Hà Nội lên tầm cao mới. Với cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn, chất lượng khám và điều trị bệnh không thua các nước trong khu vực cộng với chi phí không cao, các bệnh viện đóng trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Tim Hà Nội… đã khẳng định được uy tín, thương hiệu, không chỉ thu hút bệnh nhân trong nước mà ngày càng có nhiều bệnh nhân là Việt kiều, người nước ngoài đến khám, chữa bệnh.
Sau 3 năm đi vào hoạt động với hệ thống máy móc hiện đại cùng quy trình tiếp đón, chăm sóc người bệnh tiêu chuẩn thế giới, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã từng bước khẳng định mục tiêu “Mang tiêu chuẩn châu Âu đến Hà Nội”. Số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú, phẫu thuật tăng từ 20 - 30% qua các năm. Giờ đây, không chỉ người Việt Nam mà nhiều bệnh nhân từ các nước: Pháp, Nga, Hàn Quốc là những quốc gia có nền y tế phát triển cũng đến Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội để chữa bệnh.
“Có bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ở Singapore nhưng lại quay về Trung tâm để điều trị do chi phí bệnh nhân phải chi trả ở đây giảm tới 10 lần, ngoài ra còn được giáo sư có uy tín thực hiện phẫu thuật”, Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Ngọc Đan, phẫu thuật viên của Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội cho biết.
Hầu hết các bệnh nhân nước ngoài lựa chọn các bệnh viện uy tín như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Tim Hà Nội, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội... điều trị đều đánh giá cao chất lượng dịch vụ, trình độ bác sỹ tại các bệnh viện Việt Nam. Nhiều bác sỹ của các bệnh viện lớn các nước đến Việt Nam để học hỏi các kỹ thuật do các bác sỹ Việt Nam thực hiện. Điều này cho thấy, trình độ y khoa của Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực nếu có các giải pháp hỗ trợ thực sự hiệu quả trong tương lai.
Bài cuối: Hợp tác và phát triển