Xét nghiệm sàng lọc sớm, hướng đến kiểm soát dịch HIV/AIDS

Hiện vẫn còn khoảng 20% số người nhiễm HIV chưa biết mình mắc bệnh, vô tình họ sẽ là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng; việc xét nghiệm sàng lọc HIV sẽ biết sớm tình trạng bệnh để bệnh nhân có thể điều trị dự phòng lây nhiễm sang những người khác.

Xét nghiệm sớm HIV giúp kiểm soát và dự phòng được lấy nhiễm. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Báo Tin tức có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về vấn đề này.


Thưa ông, xin ông cho biết tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam trong năm 2017?


Trong 9 tháng đầu năm, cả nước phát hiện mới hơn 6.880 người nhiễm HIV, hơn 3.480 người chuyển sang giai đoạn AIDS, số người nhiễm HIV tử vong là 1.260 người. Ước tính đến hết năm 2017 sẽ có khoảng 9.800 người nhiễm HIV mới được phát hiện và có khoảng 1.900 người nhiễm HIV tử vong.


Trong số những người được báo cáo xét nghiệm mới phát hiện nhiễm HIV năm 2017, nữ chiếm 22%, nam chiếm 78%. Con đường lây truyền qua đường tình dục chiếm 58%, lây truyền qua đường máu chiếm 32%, mẹ truyền sang con chiếm 2,6%, không rõ chiếm 8%.


TS.Hoàng Đình Cảnh.

Về phân bố theo nhóm tuổi, 40% người nhiễm HIV mới phát hiện trong năm 2017 trong độ tuổi từ 30 – 39; 30% người nhiễm trong độ tuổi từ 20 – 29; 19% người nhiễm trong nhóm tuổi từ 40 – 49; trên 50 tuổi chiếm 6%; nhóm tuổi từ 14 – 19 tuổi chiếm 3% và nhóm trẻ em từ 0 – 13 tuổi là 2%. Phân bố người nhiễm HIV theo giới, tuổi không có khác biệt so với năm 2016, lây truyền qua đường tình dục tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong những năm trở lại đây.


So với năm 2016, tính đến hết 9 tháng đầu năm, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới giảm 1,1%, số bệnh nhân AIDS giảm 39% và người nhiễm HIV tử vong giảm 10%.


Các trường hợp mắc HIV phát hiện năm 2017 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên số liệu phát hiện tùy thuộc vào khả năng triển khai công tác tư vấn xét nghiệm, trong khi kinh phí viện trợ quốc tế cắt giảm, ngân sách quốc gia không có cho hoạt động động xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV.


Các tỉnh được đầu tư công tác xét nghiệm phát hiện HIV vẫn phát hiện được người nhiễm HIV ở mức cao, các tỉnh khác phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện tình cờ từ hệ thống bệnh viện trong đó chủ yếu các bệnh nhân giai đoạn AIDS, mắc các bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch, các bệnh lao, bệnh nhiễm khuẩn đường tình dục hoặc xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai.


Một số tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV là phụ nữ mang thai cao trên 10% là do xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm HIV hạn chế. Đặc biệt, nguy cơ lây truyền HIV, lây truyền qua đường tình dục ngày càng chiếm tỷ trọng chính trong lây truyền HIV, trong đó tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm tuổi trẻ là một cảnh báo về nguy cơ lây truyền chính trong tương lai.


Xin ông cho biết ý nghĩa của việc xét nghiệm HIV sớm?


Do thời kỳ ủ bệnh (nhiễm HIV không có triệu chứng) kéo dài nhiều năm nên người nhiễm HIV vẫn khỏe mạnh bình thường. Vì vậy, chỉ có xét nghiệm máu mới biết chắc chắn tình trạng nhiễm HIV.


Ở nước ta, hiện vẫn còn khoảng 20% số người nhiễmHIV chưa biết mình mắc bệnh, vô tình họ sẽ là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng; việc xét nghiệm sàng lọc HIV sẽ cho biết sớm tình trạng bệnh để bệnh nhân có thể điều trị dự phòng lây nhiễm sang những người khác.


Biết sớm tình trạng nhiễm HIV sẽ giúp chủ động dự phòng lây nhiễm HIV cho vợ/chồng/bạn tình, người thân trong gia đình và những người khác. Khi xét nghiệm phát hiện bị nhiễm HIV, cán bộ y tế sẽ tư vấn và cung cấp các kiến thức, kỹ năng và phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV cho người bệnh.


Dù chưa có thuốc điều trị triệt để (khỏi hẳn) HIV nhưng thuốc kháng virut (ARV) hiện nay đã giúp người nhiễm HIV kéo dài cuộc sống khỏe mạnh và giảm khả năng lây truyền HIV cho người khác. Càng phát hiện sớm nhiễm HIV thì việc chăm sóc y tế, bao gồm cả điều trị bằng ARV sẽ càng được bắt đầu sớm, điều đó giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, sống lâu hơn.


Các nghiên cứu khoa học gần đây khẳng định rằng, ngoài lợi ích giúp người nhiễm HIV khỏe mạnh, điều trị thuốc kháng virut sớm có tác dụng ức chế sự sinh sôi của HIV và qua đó làm giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV từ người nhiễm HIV sang người khác qua quan hệ tình dục.


Khi xét nghiệm và biết tình trạng nhiễm HIV sớm, người nhiễm sẽ được điều trị HIV kịp thời và sẽ giảm mắc các nhiễm trùng cơ hội nặng, từ đó giảm chi phí thuốc men, chi phí khám chữa bệnh và chi phí nằm viện.


Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Vậy ngành y tế đã và đang làm gì để đạt mục tiêu này, thưa ông?


Tính đến cuối tháng 9/2017, cả nước có 208.371 người nhiễm HIV hiện còn sống, chiếm 75% so với ước tính người nhiễm HIV trong cộng đồng. 


Như vậy, để đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình thì còn rất nhiều việc phải làm. Hiện nay, toàn quốc có 1.345 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, 128 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh, thành phố và 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV ở 100% số huyện trên toàn quốc.


Để thuận tiện cho việc chẩn đoán nhiễm HIV, các phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện đang được xây dựng tại các tỉnh trọng điểm bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai.


Cùng với việc tiếp tục mở rộng tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở 15 tỉnh, thành phố; việc triển khai thí điểm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt thông qua các tổ chức cộng đồng cũng đang được tăng cường. Hoạt động này đã huy động được các tổ chức cộng đồng tham gia, đặc biệt trong quá trình giám sát phát hiện thêm người nhiễm HIV, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV sớm.


Xin cảm ơn ông!


Tạ Nguyên (thực hiện)/báo Tin tức
Bảo hiểm y tế - giải pháp bền vững trong điều trị HIV
Bảo hiểm y tế - giải pháp bền vững trong điều trị HIV

Bảo hiểm y tế được Chính phủ xác định là giải pháp bền vững cho việc đảm bảo điều trị HIV/AIDS nói chung và điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV nói riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN