Số trẻ mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng
Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong ngày 7/3, tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3 đang điều trị cho 383 trẻ em dưới 16 tuổi. Qua ghi nhận tại các bệnh viện, số trẻ mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng, đa số trẻ không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, từ khi học sinh trở lại trường đi học, số học sinh và giáo viên mắc COVID-19 tăng nhiều. Trong số những trẻ có biểu hiện sốt đến khám tại bệnh viện, thì đến 30% là mắc COVID-19. Tuy nhiên, hầu hết đều bị nhẹ và được điều trị ngoại trú. Dự báo, số trẻ mắc COVID-19 sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
“Thời điểm này, tuy số trẻ mắc COVID-19 tăng, nhưng tỷ lệ bị nặng rất thấp. Cụ thể, ngày 7/3, tại khoa điều trị COVID-19, có 200 trường hợp F0 đang được điều trị nội trú, trong đó có 130 trường hợp là trẻ em và 70 trường hợp là người lớn. Trong số những trẻ đang nằm điều trị tại bệnh viện, có 50% trẻ mắc các bệnh lý nền, còn lại là những trường hợp sốt cao, co giật, gia đình lo lắng và nhà ở xa, mong muốn cho con ở lại điều trị; 90% là trẻ dưới 12 tuổi, trong đó có cả những trường hợp là trẻ sơ sinh. Tại bệnh viện, số ca nặng chiếm 15%; trong đó có 8% trẻ cần hỗ trợ hô hấp. May mắn, trong đợt này chưa có trường hợp trẻ tử vong”, bác sĩ Đỗ Châu Việt thông tin thêm.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 1, trong những tuần gần đây số trẻ F0 đến khám ngoại trú có xu hướng tăng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, số trẻ F0 tăng nhưng đa số đều bị nhẹ và không phải nhập viện điều trị nội trú. Những trẻ được chỉ định điều trị nội trú đa phần là trẻ có biểu hiện nặng, có bệnh lý nền như béo phì, tim mạch, ung thư…
Bác sĩ Đỗ Châu Việt cho biết, hầu hết trẻ em mắc COVID-19 đều dễ dàng vượt qua và trẻ bị hậu COVID-19 rất ít. Hiện điều lo nhất hậu COVID-19 ở trẻ là hội chứng MIS-C. Tuy nhiên, nhân viên y tế cũng đã quen với hội chứng này và hiện cũng đã có thuốc điều trị, do đó người dân cũng không nên quá lo lắng.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng thông tin thêm, trong hai tuần qua (từ ngày 15/2 -2/3), số trường hợp nghi nhiễm chung toàn thành phố ở học sinh là 2,3%; trong đó khối mầm non dưới 1%, tiểu học 2,6%, trung học cơ sở 2,4% và trung học phổ thông 3,1%.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và Phục hồi Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trước bối cảnh số ca mắc mới ở trường học đang tăng lên, thành phố chủ trương lấy việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe trẻ em là trên hết. Theo đó, thành phố đã có chiến dịch để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ em có nguy cơ cao.
Đảm bảo dinh dưỡng để trẻ nhanh hồi phục sức khỏe
Theo các bác sĩ, hầu hết trẻ em mắc COVID-19 đều nhẹ và có thể điều trị tại nhà. Theo đó, việc điều trị tại nhà sẽ giúp trẻ nhận được sự chăm sóc tốt từ gia đình, ít gây ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ và hạn chế được tình trạng quá tải y tế không cần thiết.
Theo hướng dẫn mới đây của Bộ Y tế, trẻ khi mắc COVID-19 được chăm sóc tại nhà phải thoả 3 tiêu chí lâm sàng, đó là trẻ dưới 16 tuổi mắc COVID-19 được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên do người chăm sóc tự làm tại nhà, hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện; không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không khó thở, không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi); không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
TS.BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, đa số trẻ mắc COVID-19 đều ở thể nhẹ, nên chăm sóc trẻ như thế nào để trẻ không mệt mỏi và mau phục hồi là điều rất cần thiết. Việc tăng cường miễn dịch, sức khỏe cho trẻ sẽ giúp trẻ mau phục hồi và chống lại dấu hiệu kéo dài của hậu COVID-19 về sau. Theo đó, phụ huynh nên chọn chế độ ăn đầy đủ chất, mền và dễ tiêu hóa hơn.
“Chế độ dinh dưỡng cần đầy đủ chất dinh dưỡng với 8 nhóm thực phẩm gồm nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng-xanh thẫm; cung cấp đầy đủ các vi chất, đảm bảo dinh dưỡng để giúp cho hệ miễn dịch của trẻ tốt hơn và mau khỏi bệnh. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt, tránh uống nước ngọt công nghiệp”, TS.BS Nguyễn Thi Thu Hậu cho biết thêm.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, trẻ mắc COVID-19 đa phần là mắc biến chủng Omicron. Biến chủng này nằm ở đường hô hấp trên nên phụ huynh cần phải cung cấp đủ nước cho trẻ để tống được đàm ra, qua đó giúp cho hệ hô hấp thông thoáng hơn.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt khuyến cáo, trong quá trình theo dõi chăm sóc điều trị trẻ mắc COVID-19 tại nhà, nếu thấy các biểu hiện bất thường thì phụ huynh cần phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Cụ thể, khi trẻ có những biểu hiện như sốt liên tục trên 39 độ nhưng khó hạ sốt, uống thuốc hạ sốt nhưng tình trạng không cải thiện sau 48 giờ. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần phải lưu ý đến hơi thở của trẻ như trẻ thở nhanh hơn, khi thở phập phồng cánh mũi hay bị co lõm hõm ức; chỉ số spo2 giảm; tiêu chảy, tiểu ít hoặc không tiểu; trẻ bị sốt li bì, tím tái, nôn ói, co giật.
"Với trẻ có các bệnh lý nền như bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh gan, bệnh nội tiết, huyết học, ung thư... gia đình cần cho trẻ nhập viện sớm để theo dõi", bác si Việt khuyến cáo thêm.