TP Hồ Chí Minh: Sau tháng 9, bệnh viện nào chưa có bệnh án điện tử lãnh đạo phải làm kiểm điểm

Đó là nhấn mạnh của ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị “Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số của ngành y tế TP Hồ Chí Minh” do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều ngày 10/4.

Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, chuyển đổi số ngành y tế Thành phố sẽ được thực hiện đồng bộ, toàn diện, hướng đến xây dựng hệ thống y tế thông minh, hiện đại, lấy người dân làm trung tâm.

Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

"Việc đẩy mạnh chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người dân, tiến tới một nền y tế hiện đại, phục vụ người dân toàn diện, thuận tiện và minh bạch hơn", ông Nguyễn Anh Dũng nhận định.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn; đồng thời xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung và dữ liệu liên thông với Trung tâm dữ liệu Thành phố.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, trong tháng 9/2025, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố sẽ triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không dùng bệnh án giấy. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 9 bệnh viện đã thẩm định bệnh án điện tử; 7 bệnh viện đủ điều kiện triển khai nhưng chưa thực hiện hồ sơ thẩm định và có tới 35 bệnh viện chưa được làm được bệnh án điện tử vì chưa đạt điều kiện.

Chú thích ảnh
Đến tháng 9/2025, các bệnh viện sẽ triển khai bệnh án điện tử, không sử bệnh án giấy. 

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, việc chậm trễ trong chuyển đổi số, đặc biệt là hồ sơ bệnh án điện tử, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của toàn ngành. Theo đó, các giám đốc bệnh viện phải nhận thức rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, cần tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành trong bối cảnh kỷ nguyên số hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

"Hạn cuối là tháng 9 năm nay các bệnh viện phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Nếu sau thời gian này, bệnh viện nào chưa có bệnh án điện tử lãnh đạo phải làm kiểm điểm", PGS.TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các bệnh viện chia sẻ kinh nghiệm về mô hình chuyển đổi số trong công tác quản trị bệnh viện. Cụ thể, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh) đã giới thiệu mô hình bệnh án điện tử toàn diện - nền tảng số hóa đồng bộ trong quản lý và chăm sóc người bệnh, từ khâu đăng ký khám bệnh không giấy, kê đơn điện tử, cho đến quản lý dữ liệu bệnh nhân liên thông với bảo hiểm và các cơ sở y tế tuyến dưới.

Theo đó, hệ thống này không chỉ tối ưu hóa quy trình chuyên môn mà còn hỗ trợ mạnh mẽ công tác quản trị bệnh viện, ra quyết định chính xác, giảm tải cho nhân viên y tế, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Lộc ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế Thành phố trong quá trình chuyển đổi số thời gian qua. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và yêu cầu cấp thiết phải có bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa để y tế Thành phố thực sự trở thành lĩnh vực kiểu mẫu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Ông Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh, chuyển đổi số là động lực then chốt trong hiện đại hóa ngành y tế, tạo nền tảng xây dựng hệ sinh thái y tế thông minh, minh bạch và hiệu quả. Việc đầu tư bài bản cho chuyển đổi số chính là chìa khóa giúp ngành y tế phát triển tự chủ, bền vững, lấy người bệnh làm trung tâm, nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng thích ứng trong mọi tình huống.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế vẫn còn không ít điểm nghẽn. Một số bệnh viện lớn đã tiên phong triển khai hệ thống quản trị bằng công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị bệnh, xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử… Song phần lớn các bệnh viện còn lại vẫn chưa có hạ tầng công nghệ phù hợp, chưa đồng bộ hệ thống.

Từ thực tiễn đó, ông Nguyễn Phước Lộc đề nghị các bệnh viện, cơ sở y tế cần thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất trong việc triển khai chuyển đổi số. Phải xem đầu tư cho công nghệ thông tin là đầu tư cho phát triển.

“Chuyển đổi số không phải là một phong trào ngắn hạn, mà là yêu cầu tất yếu của thời đại. Do đó, các sở, ban ngành, đặc biệt Trung tâm chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để ngành y tế đi trước, làm kiểu mẫu cho các lĩnh vực khác trong hành trình chuyển đổi số quốc gia”, ông Nguyễn Phước Lộc lưu ý.

Khẳng định định hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phước Lộc cho rằng, Thành phố đang có đầy đủ điều kiện để trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực châu Á, đúng như mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Muốn làm được điều đó, ngành y tế Thành phố phải đi đầu, làm kiểu mẫu về chuyển đổi số.

Theo ông Nguyễn Phước Lộc, năm 2024, chỉ số “Thành phố đáng sống” của TP Hồ Chí Minh đã tăng 6 bậc, trong đó giáo dục và y tế đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, nếu ngành y tế phát triển mạnh mẽ hơn nhờ chuyển đổi số, chỉ số này còn tăng nữa.

Đan Phương/Báo Tin tức và Dân tộc
Cầu nối giữa các sáng kiến công nghệ và quá trình chuyển đổi số quốc gia
Cầu nối giữa các sáng kiến công nghệ và quá trình chuyển đổi số quốc gia

Cổng thông tin điện tử sản phẩm, giải pháp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được Bộ Khoa học và Công nghệ ra mắt ngày 9/4/2025 tại địa chỉ https://nq57.mst.gov.vn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN