Cụ thể, các cơ sở phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về nhân sự chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ của cơ sở trong suốt quá trình hoạt động, bao gồm bác sỹ phải có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ và chỉ được thực hiện những kỹ thuật tạo hình, thẩm mỹ theo phạm vi chuyên môn cho phép. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện thủ tục đăng ký hành nghề cho tất cả bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ có tham gia khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật tại cơ sở.
Đối với bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ phải có Hội đồng Khoa học công nghệ, thẩm định năng lực thực hiện những kỹ thuật phẫu thuật có nguy cơ cao của nhân viên y tế để làm căn cứ cho Giám đốc bệnh viện ban hành quyết định phân công nhân viên y tế thực hiện kỹ thuật can thiệp điều trị có nguy cơ cao.
Tất cả kỹ thuật phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được Sở Y tế hoặc Bộ Y tế phê duyệt theo quy định. Nội dung quảng cáo trên mọi phương tiện (bảng hiệu, áp-phích, pa-nô, tờ rơi, báo chí, phát thanh, truyền hình, internet…) về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở phải phù hợp với phạm vi chuyên môn, danh mục kỹ thuật đã được Sở Y tế cho phép thực hiện tại cơ sở và những quy định pháp luật có liên quan trong lĩnh vực quảng cáo. Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu Phòng Y tế quận, huyện tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 185 cơ sở khám chữa bệnh có loại hình phẫu thuật thẩm mỹ, bao gồm 7 bệnh viện công lập có khoa hoặc đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ, 13 bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, 9 bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 2 bệnh viện chuyên khoa tư nhân có đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ, 4 phòng khám đa khoa tư nhân có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và 150 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.