Bệnh nhi là bé trai 8 tuổi có tiền sử sinh non và nhẹ cân, nhưng chưa phát hiện tiền sử tim mạch. Cách đây 2 tháng, cháu bé có biểu hiện sốt thất thường từng đợt, da xanh, ăn kém và gầy nhiều. Bác sỹ phát hiện cháu bị thiểu sản quai động mạch chủ và hở van hai lá nhiều do nhiễm trùng máu. Bệnh nhi đã được điều trị chống nhiễm trùng tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương.
Do ca bệnh phức tạp nên cháu được chuyển đến Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) điều trị.
Sau khi hội chẩn và xem xét nhiều lần, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, xác định, đây là một ca bệnh rất khó và hiếm gặp. Cháu bị hở van hai lá nhiều do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, giả phồng động mạch chủ và quai động mạch chủ, thiểu sản quai động mạch chủ bẩm sinh.
“Điều này đặt ra rất nhiều vấn đề khó khăn trong điều trị như phải dùng kháng sinh liều cao, kéo dài hàng tháng do tình trạng viêm nội tâm mạc; phẫu thuật thay đoạn quai động mạch chủ bị dị dạng và giả phồng nhiều nơi, sửa hoặc thay van hai lá. Trong đó thay quai động mạch chủ là kỹ thuật rất phức tạp, đặc biệt là cho trẻ nhỏ và trên bệnh nhân nhiễm trùng. Nếu dùng các kỹ thuật và mạch máu nhân tạo thông thường thì khả năng thất bại gần như chắc chắn”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Ước cho biết.
Rất may mắn, Ngân hàng Mô (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đang lưu trữ khá nhiều các đoạn mạch được bảo quản từ những bệnh nhân chết não hiến tặng (homograft). Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Ước đã trao đổi với các bác sỹ Ngân hàng Mô lựa để chọn được một đoạn động mạch homograft phù hợp với bệnh nhân.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn 6 tiếng, các bác sĩ đã tiến hành thay van hai lá và thay thế cả quai động mạch chủ bằng đoạn động mạch homograft chủ - chậu từ Ngân hàng Mô. Ca mổ đã thành công ngoài sức mong đợi. Sau ca mổ, bệnh nhân được chuyển đến phòng hồi sức tim mạch để chăm sóc tiếp, được rút nội khí quản sau 2 ngày và xuất viện sau 3 tuần điều trị.