Nguy hiểm từ những bệnh do sốc nhiệt
Vào thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh hoạt động mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho hay, tùy theo mức độ tiếp xúc với thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường xung quanh, cũng như thời gian tiếp xúc với nắng nóng trong bao lâu, công việc nặng nhọc hay không… thì các bệnh lý do ảnh hưởng của nhiệt độ sẽ xuất hiện và được chia theo các mức độ từ nhẹ đến nặng.
“Cảm nắng là từ gọi chung trong dân gian đối với tất cả các bệnh lý do thời tiết nắng nóng gây ra. Thời tiết nắng nóng thường dẫn đến tình trạng phù, phát ban, chuột rút do nhiệt, kiệt sức, ngất xỉu, sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt). Đây là loại bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não”, bác sĩ Hậu cho biết thêm.
Bác sĩ Dương Anh Phượng, chuyên khoa Nội Tổng quát – Hô hấp bệnh viện Quốc tế City cho biết, các bệnh hô hấp thường gặp nhất trong thời điểm này như cảm lạnh, cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phổi và những bệnh mạn tính như hen phế quản, giãn phế quản cũng dễ tái phát, có nguy cơ đe dọa sức khỏe của nhiều người, nhất là những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai…
Bác sĩ Phượng cho biết thêm, các gia đình thường có thói quen mở quạt lớn, hạ nhiệt độ điều hòa thấp dẫn đến khô vùng mũi họng, làm khô các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh. Bên cạnh đó, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi bước từ trong phòng lạnh ra ngoài trời nắng cũng có thể khiến nhiều người bị choáng, sốc nhiệt hoặc cảm nắng. Để giảm bớt nóng, nhiều người thích uống nước đá, ăn kem và tắm nước lạnh nhiều cũng dễ dẫn đến bệnh về đường hô hấp.
Ngoài ra, trong tiết trời nóng ẩm, ruồi nhặng và vi khuẩn dễ sinh sôi khiến thức ăn bị bẩn và ôi thiu nhanh. Nếu không cẩn thận sẽ dễ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy, nhất là khi nhiệt độ kéo dài ở mức 37 - 38o C. Trời quá nóng, hệ tiêu hóa cũng hoạt động kém đi nên gây chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, cơ thể mệt mỏi, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Thận trọng với các bệnh về da
Cùng với nắng nóng gay gắt, điều đáng lo ngại chỉ số tia cực tím (UV) được dự báo là tiếp tục vượt ngưỡng có thể lên đến mức 12 UV. Đây là mức nguy cơ làm da bị bỏng nắng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 25 phút mà không được bảo vệ. Vì vậy, các chuyên gia y tế cho rằng người dân ra đường trong thời gian này cần có những biện pháp bảo vệ phù hợp, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 15 giờ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Châu - Chuyên khoa da liễu của bệnh Viện Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết: “Trong các nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ UV thì các tác hại phổ biến của tia UV với làn da có thể kể, như khiến làn da trở nên đen, sạm; gây nám, tàn nhang, lão hóa sớm cho da; tăng độ nhạy cảm trên da, khiến da trở nên mẫn cảm, dễ dị ứng hoặc bỏng rát da; gây ra và thúc đẩy bệnh ung thư da”.
Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu cho biết thêm, khi nhiệt độ tăng cao thì sẽ dẫn đến việc tăng tiết mồ hôi, chất bã nhờn nên rất dễ mắc các bệnh lý về da. Đặc biệt là ở trẻ em hay người lớn tuổi dễ mắc các bệnh lở loét, các vi nấm mọc nhiều hơn ở các vùng kẽ da như nách, bẹn… nếu nằm lâu. Một số bệnh truyền nhiễm cũng xuất hiện vào thời điểm này như sởi, quai bị, bệnh tay chân miệng.
Các bác sĩ cũng lưu ý, gia đình có trẻ nhỏ và người cao tuổi nên có biện pháp bảo vệ trước sự ảnh hưởng của nắng nóng để hạn chế tối đa sốc nhiệt, say nắng. Bác sĩ Dương Anh Phượng khuyến cáo, để chủ động phòng tránh các bệnh thường gặp trong mùa nóng, không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp nên để nhiệt độ trong phòng không cách biệt quá 5 độ C đối với nhiệt độ bên ngoài. Cung cấp đủ nước cho cơ thể, bổ sung vitamin C, vệ sinh phòng ở, nơi ăn, vệ sinh cá nhân, hạn chế ăn thức ăn ngoài đường phố, tiêm phòng cúm đầy đủ hàng năm và đặc biệt trẻ nhỏ phải tiêm vắc xin đầy đủ đối với những bệnh đã có vắc xin phòng ngừa.
Nhiều chuyên gia y tế cũng khuyến cáo thêm, nên mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10h đến 16h, nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.