Kỹ thuật này mới được áp dụng ở một số bệnh viện lớn của Việt Nam. Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là bệnh viện đầu tiên trong các tỉnh trung du miền núi phía Bắc thực hiện và đã thành công với kỹ thuật này.
Bệnh nhân được cứu sống là bé Triệu Linh Chi, 13 tuổi ở huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Trước đó, vào ngày 14/7, bé gái này bị tai nạn dẫn đến chấn thương sọ não nặng. Sau khi được mổ cấp cứu và chuyển lên điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bệnh nhân luôn trong tình trạng hôn mê sâu, sốt cao trên 40 độ, nguy cơ cao bị tổn thương tế bào não, thậm chí tử vong. Ngay lập tức, Chi được chỉ định áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy để kịp thời bảo vệ não và tính mạng. Sau hơn 5 ngày điều trị tích cực, bé gái đã hồi phục. Hiện tại, Linh Chi đã tỉnh táo, giao tiếp và vận động tốt, đặc biệt là không có di chứng thần kinh.
Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: Kỹ thuật hạ thân nhiệt là phương pháp điều trị bổ trợ cho các phương pháp cấp cứu khác được tốt hơn, giúp cải thiện tỉ lệ tử vong và biến chứng. Tuy nhiên, thời gian vàng để thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt là 6 tiếng sau khi bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn, ngừng tim hoặc chấn thương sọ não. Sau thời gian đó, hiệu quả sẽ không được như mong muốn.
Nhờ kỹ thuật này, các bệnh nhân ngừng tim, ngừng tuần hoàn sẽ giảm tỷ lệ tử vong xuống 14% và giảm độ di chứng tàn phế xuống còn 11%, khả năng phục hồi ý thức và vận động tốt hơn. Đây là hướng điều trị triển vọng, có thể áp dụng cho nhiều bệnh nhân rơi vào tình huống nguy hiểm liên quan đến thương tổn não cấp, thương tổn não sau ngừng tuần hoàn, sau thương tổn não nặng do bị chấn thương hoặc tai biến mạch não.