Bệnh viện Lão Khoa - Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh đi vào hoạt động từ tháng 10/2022 đã đón trên 750 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, cao gấp nhiều lần so với khi hoạt động từ cơ sở cũ. Theo quyết định của UBND tỉnh, Bệnh viện Lão Khoa trước đây được cấp 186 danh mục, 2.286 thiết bị nhưng do đứt gãy chuỗi cung ứng nên khi đi vào hoạt động bệnh viện mới chỉ có 19 danh mục, 23 thiết bị.
Ông Phạm Quang Dũng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh thông tin, để khắc phục khó khăn, đơn vị tận dụng trang thiết bị của Bệnh viện Phục hồi chức năng trước đây để đưa vào hoạt động. Bệnh viện đã điều chuyển giường của Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái, hệ cấy răng của Trung tâm Y tế thành phố Uông Bí... để vận hành phục vụ công tác khám điều trị tại bệnh viện.
Giám đốc Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng tỉnh Quảng Ninh cho biết thêm, đơn vị đang khai thác các trang thiết bị phục hồi chức năng nên vẫn duy trì được thuốc, vật tư, sinh phẩm phục vụ người bệnh. Từ nay đến cuối năm, bệnh viện cố gắng có trang thiết bị khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Hiện là thời điểm giao mùa, nhiều người mắc cúm, sốt xuất huyết… nhưng việc tìm mua một số loại thuốc khá khó khăn. Chị Nguyễn Thị Yến ở Tổ 11, khu 1 phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long cho biết, con chị bị mắc cúm B, được bác sĩ kê đơn thuốc nhưng dòng thuốc kháng virus như Tamiflu rất khó mua.
Có thể thấy, việc thiếu sinh phẩm, thuốc, vật tư y tế trên cả nước thời gian gần đây đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Sở Y tế Quảng Ninh, khó khăn trong công tác mua sắm vật tư, hóa chất tại đơn vị vì thiếu cơ sở, căn cứ để xây dựng dự toán mua sắm, dự toán giá gói thầu; trang thiết bị mua sắm bổ sung thông qua đấu thầu không đồng bộ với trang thiết bị y tế hiện có, nhân viên y tế gặp khó khăn khi sử dụng, bất cập khi phải mua sắm nhiều loại vật tư, hóa chất tiêu hao để dùng cho thiết bị ...
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh chia sẻ, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn tới thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong nước. Năm 2022-2023 là năm đầu tiên các cơ sở y tế tại Quảng Ninh tự triển khai tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc vì vậy còn nhiều lúng túng trong công tác xây dựng kế hoạch và triển khai... Đặc biệt là việc đấu thầu tập trung quốc gia mới chỉ có hơn 80 mặt hàng so với hàng nghìn mặt hàng thuốc, vật tư y tế cần mua sắm.
Ngành Y tế Quảng Ninh đề nghị, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành hướng dẫn đặc thù cho công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế; quy định nội dung “Thông tin trúng thầu” của các trang thiết bị y tế phải được cập nhật đầy đủ (cấu hình kỹ thuật, hãng sản xuất, xuất xứ…) trên trang thông tin của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để có cơ sở xây dựng giá kế hoạch một cách phù hợp, chính xác.
Ngoài ra, các bộ cần hướng dẫn việc xây dựng giá kế hoạch đối với trang thiết bị y tế mới, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trên thị trường; với vật tư, hóa chất không được phân loại là trang thiết bị y tế trong trường hợp đơn vị không tham khảo đủ 3 báo giá, đơn vị thẩm định giá từ chối thẩm định do thiếu căn cứ, không có giao dịch hàng hóa tương tự trong vòng 30 ngày; ban hành mức giá trần của trang thiết bị, vật tư, hóa chất (như đối với thuốc) để các cơ sở y tế có cơ sở tham khảo thông tin và xây dựng giá gói thầu.
Cùng với đó, ngành Y tế kiến nghị một số nội dung liên quan đến hướng dẫn xây dựng đơn giá; quy định đấu thầu, mua sắm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 114/NQ-CP ngày 5/11/2022 để đáp ứng kịp thời những bất cập hiện nay, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Y tế.