Theo các bác sĩ về tim mạch, điều trị bệnh tim bằng phương pháp phẫu thuật trước đây chủ yếu sử dụng đường mở ngực giữa xương ức. Tuy nhiên, đường mở ngực giữa xương ức vẫn có một số nhược điểm nhất định như đau nhiều, mất máu nhiều hơn, làm tăng thời gian nằm hồi sức và thở máy, từ đó làm tăng thời gian nằm viện, tính thẩm mỹ chưa cao.
Bên cạnh đó, còn một biến chứng quan trọng là nhiễm trùng xương ức, đây là biến chứng có tỉ lệ thấp (< 1%), nhưng khi xảy ra sẽ làm tăng nguy cơ tử vong từ 30 - 50% cũng như kéo rất dài thời gian nằm viện từ nhiều tuần, thậm chí đến nhiều tháng.
Chi phí cho một ca phẫu thuật tim nội soi khoảng 80 triệu đồng và được BHYT thanh toán. Ảnh BV |
PGS TS BS.Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Phó giám đốc bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, trong khoảng 2 thập kỉ trở lại đây, nhờ vào những thành quả của khoa học, phẫu thuật tim nội soi đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Số lượng trung tâm áp dụng kĩ thuật này cũng như tỉ lệ người bệnh được mổ nội soi so với người bệnh mổ hở không ngừng tăng cao, không chỉ ở những nước phát triển mà còn ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Tại bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu ứng dụng mổ nội soi và ít xâm lấn tim mạch từ năm 2014. Cho đến nay đã có 200 trường hợp phẫu thuật thành công. Với tỉ lệ tử vong rất thấp, tỉ lệ tai biến và biến chứng thấp, phẫu thuật tim nội soi và ít xâm lấn đã trở thành lựa chọn thường quy đối với người bệnh.
Theo PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật tim nội soi và ít xâm lấn có thể điều trị được hầu hết các mặt bệnh tim mạch như phẫu thuật tim hở qua đường mở ngực giữa xương ức có thể thực hiện được. Trong đó, nổi bật là phẫu thuật van tim như van 2 lá, van động mạch chủ; phẫu thuật tim bẩm sinh thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch; phẫu thuật điều trị hẹp động mạch vành…
"Lợi ích của phẫu thuật tim nội soi như giảm đau, giảm chảy máu, giảm truyền máu, giảm thời gian thở máy và nằm hồi sức, giảm thời gian nằm viện, nhanh chóng trở về với cuộc sống và sinh hoạt thường nhật và có tính thẩm mỹ cao", bác sĩ Nguyễn Hoàng Định cho biết thêm.
Cho đến hiện nay, độ tuổi an toàn cho phẫu thuật tim nội soi cũng tương tự như những trường hợp phẫu thuật hở. Tuy nhiên, do đặc trưng chuyên môn, người bệnh trên 50 tuổi và có yếu tố nguy cơ tim mạch cần phải chụp CT scan ngực bụng để giúp ngăn ngừa nguy cơ tai biến mạch máu não do hệ thống tim phổi nhân tạo gây ra. Được biết, chi phí cho một ca phẫu thuật tim nội soi khoảng 80 triệu đồng và được thanh toán bảo hiểm y tế như phương pháp mổ tim thông thường.
Theo các bác sĩ, bệnh tim mạch tại Việt Nam hiện nay đang có xu hướng gia tăng và trẻ hoá. Nguyên nhân có thể do sự tăng nhanh của các bệnh lý chuyển hoá như rối loạn lipid máu, đái tháo đường và các thói quen xấu như hút thuốc lá, ít vận động và tập thể dục, ý thức điều trị lâu dài chưa cao, đặc biệt trong điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.
Qua tài liệu khảo sát nghiên cứu của Viện Tim mạch Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp thì năm 2009, tỷ lệ là 25,4% và đến năm 2016 thì đang ở con số báo động là 46%.
PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định khuyến cáo, nhằm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, người dân nên ngưng thuốc lá, không uống rượu, bia và chất có cồn, giảm ăn béo, ăn ngọt, có chế độ vận động và tập thể dục hợp lý, lâu dài và đặc biệt tuân thủ điều trị chặt chẽ của bác sĩ, tái khám đúng hẹn nhằm khống chế tốt huyết áp và đường huyết, tránh các biến chứng tim mạch nguy hiểm của các bệnh lý này.