Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Linh, bác sĩ tạo hình, thẩm mỹ cho biết: “Cháu H được chẩn đoán mắc nơ vi sắc tố bẩm sinh khổng lồ (giant congenital melanocytic nevus) là tình trạng tăng sinh bất thường tế bào sắc tố trong da, thường xuất hiện ngay từ khi mới sinh. Khối u này không xâm lấn nhưng sẽ lớn dần theo sự phát triển của cơ thể, giữ nguyên tỷ lệ so với vùng da tổn thương ban đầu”.
Theo bác sĩ Linh, khối u đã xuất hiện từ ngay sau sinh và lớn lên cùng với cơ thể cháu H. Đến năm 8 tuổi, khối u chiếm gần nửa vùng lưng dưới, với bề mặt dày cộm như da trâu, có lông dài, thường xuyên ngứa rát và từng bị trợt loét. Dù phần lớn nơ vi sắc tố bẩm sinh ban đầu là lành tính, song với kích thước lớn như vậy, bệnh lý tiềm ẩn nguy cơ hóa ác thành ung thư hắc tố (melanoma) với tỷ lệ khoảng 5–10%. Đồng thời, tổn thương cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý trẻ nếu không được điều trị sớm.
Sau hội chẩn chuyên khoa, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật theo hai giai đoạn. Trong lần mổ đầu tiên, các bác sĩ thu hẹp phần tổn thương, tạo điều kiện để vùng da lành giãn da tự nhiên – chuẩn bị nền mô thuận lợi cho can thiệp tiếp theo. Dựa trên mức độ phục hồi cả về thể chất và tinh thần của bé, ca mổ thứ hai được thực hiện để loại bỏ triệt để phần u còn lại.
“Da trẻ nhỏ có độ đàn hồi tốt. Sau lần mổ đầu, vùng da lành được giãn da rõ rệt. Tuy nhiên, nếu để lâu, cả da lành và tổn thương đều tiếp tục giãn, khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, phẫu thuật lần 2 được tiến hành đúng thời điểm để đạt hiệu quả tối ưu”, bác sĩ Linh cho biết thêm.
Hiện tại, bệnh nhi đã hồi phục tốt. Vết sẹo mềm, không co kéo, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Bé không còn cảm giác ngứa ngáy, khó chịu như trước, tinh thần thoải mái và tự tin hơn sau nhiều năm mặc cảm vì ngoại hình.
Tiến sĩ, bác sĩ Dương Mạnh Chiến, chuyên gia phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ khuyến cáo: “Nơ vi sắc tố bẩm sinh khổng lồ cần được phát hiện và can thiệp sớm. Nếu để tới tuổi dậy thì hoặc muộn hơn, nguy cơ hóa ác sẽ tăng lên, trong khi phẫu thuật – tạo hình cũng trở nên phức tạp hơn do da mất dần tính đàn hồi. Tốt nhất nên can thiệp trước thời điểm trẻ hình thành ý thức rõ rệt về ngoại hình, tức trước 7–8 tuổi, để giảm tác động tâm lý và đạt hiệu quả thẩm mỹ cao”.
Tiến sĩ Chiến cũng nhấn mạnh, những ca u lớn như trường hợp của bé H cần có chiến lược điều trị bài bản, có thể chia làm nhiều đợt. “Khi thiết kế đường mổ và vị trí sẹo, chúng tôi luôn tính toán kỹ để giấu vào đường viền quần áo, hạn chế ảnh hưởng thẩm mỹ lâu dài. Đây không chỉ là một ca bệnh về da, mà còn là bài toán tinh tế của nghệ thuật tạo hình – đồng hành cùng tuổi thơ các em”.