Phát hiện nhiều trường hợp nhiễm độc thiếc cấp tính tại Việt Nam 

Ngày 13/8, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, hiện Trung tâm đã tiếp nhận khám và điều trị cho 6 bệnh nhân bị nhiễm độc thiếc, phần lớn là nhiễm độc nặng.

Chú thích ảnh
Bác sĩ tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thăm khám cho bệnh nhân nhiễm độc thiếc. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Tất cả các trường hợp nói trên đều có nồng độ thiếc trong máu cao, có những trường hợp cao gấp chục lần ngưỡng cho phép. Đây là những ca nhiễm độc thiếc cấp tính đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam.

Đặc điểm chung của 6 bệnh nhân trên là cùng làm việc tại bộ phận nghiền nhựa tái chế của một công ty sản xuất mành rèm ở huyện Thanh Miện (Hải Dương). Điều đáng chú ý là trước khi vào làm, tất cả các công nhân này đều khỏe mạnh nhưng chỉ sau một thời gian ngắn (người vào làm lâu nhất là 1 tháng, người mới nhất là 4 ngày), các công nhân có chung biểu hiện mất trí nhớ, lú lẫn, rối loạn tâm thần, kích động, hành vi bất thường… Chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy có tổn thương chất trắng lan tỏa trên não, xét nghiệm máu có nhiễm toan chuyển hóa, hạ kali máu nặng.

Nhóm các bệnh nhân nhiễm độc thiếc được phát hiện khi anh Nguyễn Đức H., 35 tuổi, nhập viện ngày 9/7/2020 với biểu hiện rối loạn tâm thần, kích động, lẫn lộn, sau đó hôn mê. Phim cộng hưởng từ não cho thấy có hiện tượng tổn thương chất trắng lan tỏa nặng nề, nhiễm toan chuyển hóa và hạ kali máu nặng. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện muộn, khi diễn biến nặng, gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà, sau đó bệnh nhân H. đã tử vong. Gia đình cho các bác sỹ biết, có một số đồng nghiệp của anh H. cũng có biểu hiện bất thường như trên. Các bác sỹ hướng dẫn gia đình thông báo cho những người cùng làm cần đi khám kiểm tra.

Bệnh nhân Nguyễn Kim C. (42 tuổi, trú ở Quỳnh Phụ, Thái Bình) vào bệnh viện trong tình trạng rối loạn tâm thần, mất trí nhớ, lái xe máy đi lang thang quanh làng. Kết quả xét nghiệm cho thấy máu có rối loạn nặng. Các bác sỹ ở Trung tâm Chống độc đã tìm mọi cách để xét nghiệm, chẩn đoán, cấp cứu. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm và chẩn đoán gần như bế tắc. Rất may, sau đó các bác sỹ đã tìm thấy trên y văn thế giới có một vài trường hợp bị bệnh khi làm việc trong hoàn cảnh gần tương tự với bệnh nhân C. Với sự giúp đỡ của Viện Hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bệnh nhân C. được chỉ định và làm xét nghiệm định lượng kim loại thiếc. Kết quả, bệnh nhân C có nồng độ thiếc trong máu hơn 200 micogam/lít, nghĩa là tăng gấp hơn 40 lần ngưỡng cho phép. Bệnh nhân được lọc máu, giải độc thiếc và chỉ sau một tuần được điều trị tích cực, bệnh nhân đã có tình trạng sức khỏe tốt hơn, trí nhớ dần hồi phục… Mẫu máu của bệnh nhân H. (người đã tử vong) cũng cho thấy, nồng độ thiếc trong máu cao gấp trên 50 lần bình thường.

Đáng chú ý, có một số bệnh nhân khi đến kiểm tra thì dù không có triệu chứng lâm sàng nhưng kết quả xét nghiệm vẫn cho thấy hiện tượng hạ kali máu nặng, có nhiễm toan chuyển hóa hoặc tổn thương não trên phim cộng hưởng từ và nồng độ thiếc trong máu tăng rõ. Theo các bác sỹ điều trị, rất có thể có những người khác bị nhiễm độc tương tự nhưng chưa được phát hiện, hoặc có thể nhầm lẫn với nhiều bệnh khác.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, các bệnh nhân trên bị nhiễm độc cấp tính thiếc có các đặc điểm điển hình do hợp chất thiếc hữu cơ gây ra. Thiếc gồm có thiếc dạng nguyên thể kim loại, các hợp chất thiếc vô cơ và thiếc hữu cơ. Trong đó, thiếc hữu cơ là loại có độc tính rất cao, rất dễ hấp thu qua đường hô hấp, qua da và qua đường tiêu hóa (độc nhất là các hợp chất thiếc triethyl và thiếc trimethyl). Đây là các hợp chất có công dụng làm chất ổn định nhựa (plastic stabilizer), ổn định nhiệt (heat stabilizer), được cho vào nhựa giúp nhựa bền vững với nhiệt. Nhiễm độc thiếc hữu cơ gây nhiều tổn thương nặng ở các cơ quan, bao gồm não (gây các rối loạn tâm thần kinh và tổn thương chất trắng), tổn thương gan, thận, miễn dịch, máu,… Hiện nay trên thế giới và trong nước vẫn chưa có phác đồ điều trị nhiễm độc thiếc, do đó việc điều trị khó khăn, các bác sỹ phải vừa điều trị vừa theo dõi sát để đánh giá điều chỉnh.

Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn báo cáo Bộ Y tế, Sở Y tế các địa phương, các cơ quan liên quan để phối hợp tìm ra nguyên nhân.

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng kêu gọi các công nhân làm việc trong các môi trường độc hại như tái chế nhựa, khai khoáng... khẩn trương đi kiểm tra sức khỏe để sàng lọc và phát hiện nhanh nguy cơ nhiễm độc thiếc.

Phương Lan (TTXVN)
Cảnh báo tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em
Cảnh báo tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em

Gần 1/3 số trẻ em trên thế giới có lượng chì trong máu ở mức cao có nguy cơ gây ra những tổn hại lâu dài đối với sức khỏe của trẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN