Ngăn dịch bệnh bùng phát dịp Tết

Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đang tới gần, là thời điểm “nóng” trong năm về phòng chống dịch bệnh; nhất là trong bối cảnh nhiều dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở các địa phương.

Chú thích ảnh
Dịch sởi diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Đan Phương

Dịch bệnh vẫn nóng

Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, giao thương của người dân tăng cao, trong khi các dịch bệnh vẫn đang nóng, vì vậy, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh rất lớn.

Đáng lo ngại là hiện nay dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện số ca mắc sởi vẫn tăng rất cao so với năm trước. Từ đầu năm đến nay, số ca sốt phát ban nghi sởi là 38.364 (tăng hơn 94 lần so với năm 2023); số ca dương tính với sởi là 6.725 ca (tăng hơn 130 lần so với năm 2023). Các tỉnh, thành phố có số ca mắc sởi cao như: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cà Mau… và vẫn ghi nhận rải rác ca tử vong do sởi.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, số ca mắc sởi tiếp tục gia tăng trong các nhóm tuổi: Trẻ từ 10-14 tuổi, từ 6-9 tháng tuổi… đồng thời ghi nhận ca tử vong và các ca biến chứng nặng.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 141.000 ca mắc mắc sốt xuất huyết, 28 ca tử vong. Trong đó, Hải Phòng là địa phương có số ca mắc cao nhất với hơn 23.000 ca, TP Hồ Chí Minh hơn 14.000 ca mắc.

Cả nước cũng ghi nhận hơn 76.000 ca mắc tay chân miệng, tuy giảm 55,8% so với năm 2023, nhưng số ca mắc vẫn cao. Một số tỉnh có ca mắc cao là TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp…

Về bệnh cúm mùa, trong năm 2024, cả nước ghi nhận khoảng 287.548 trường hợp mắc, 8 ca tử vong…

Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nguyên nhân dịch bệnh vẫn đang nóng là do các bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường, dễ lây lan rộng, sự biến chủng liên tục của các tác nhân gây bệnh…

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm vaccine trong thời gian qua, khiến miễn dịch cộng đồng giảm. Bên cạnh đó, các đối tượng tiêm chủng vẫn chưa quản lý tốt. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã có lúc xảy ra cục bộ, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Chủ động phòng bệnh lây lan

Về vấn đề phòng dịch trong dịp Tết sắp tới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp, Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng ( Bộ Y tế) cho rằng: “Gần Tết, việc đi lại, giao lưu của người dân tăng cao là nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Tuy có nhiều dịch bệnh vẫn đang gia tăng nhưng chưa có quy định bắt buộc phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch. Người dân cần chủ động thực hiện theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh, ngăn chặn các dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng”.

Trước tiên, mỗi người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở, để phòng bệnh. Cần căn cứ vào đường lây truyền của các dịch bệnh, để có biện pháp phòng bệnh phù hợp. Cụ thể, với người có triệu chứng bệnh hô hấp, cần đeo khẩu trang để không phát tán mầm bệnh ra xung quanh; với những trẻ có dấu hiệu của bệnh sởi, tay chân miệng… cần kịp thời cách ly để tránh lây lan. Người dân thực hiện ăn chín, uống chín, rửa tay với xà phòng thường xuyên. Đặc biệt chú ý phòng bệnh cho các đối tượng như: Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai… vì đây là những người dễ bị biến chứng nặng khi mắc các bệnh truyền nhiễm.

“Bên cạnh đó, cần truyền thông mạnh mẽ, chọn các kênh truyền thông phù hợp để người dân dễ tiếp cận để có kiến thức và thực hiện phòng bệnh. Về triển khai các biện pháp phòng dịch, nguy cơ đến đâu cần đáp ứng đến đó, nguy cơ đến đâu truyền thông đến đó; tức là việc tuyên truyền không khiến người dân hoang mang thái quá, nhưng cũng không chủ quan; luôn gắn truyền thông phòng chống dịch với việc đảm bảo y tế, an sinh xã hội. Trong dịp Tết này, người dân cần thực hiện tốt việc phòng chống với các bệnh đường hô hấp; phòng bệnh đường tiêu hóa; tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ. Đặc biệt, người dân không nên theo các trào lưu đồn đại… mà tuân thủ đúng khuyến cáo của ngành y tế”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, xã hội; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp cùng ngành Y tế, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, đoàn thể, cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Cộng đồng chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh lây lan, bùng phát, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025; kịp thời ngăn chặn các nguy cơ dịch bệnh.

"Để đảm bảo công tác phòng chống dịch thời gian tới, cần sớm có kế hoạch để bố trí kinh phí phòng dịch sớm cho các đơn vị của Bộ Y tế bao gồm cả nâng cao năng lực cho các địa phương. Rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, vật tư, thiết bị, sinh phẩm y tế, đảm bảo dự trữ quốc gia và dự trữ địa phương cho công tác phòng chống dịch theo quy định. Đồng thời, các địa phương kiện toàn lực lượng phòng chống dịch, đảm bảo đủ nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", ông Nguyễn Lương Tâm, nhấn mạnh.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Dịch sởi diễn biến phức tạp, vẫn còn phụ huynh 'anti vaccine'
Dịch sởi diễn biến phức tạp, vẫn còn phụ huynh 'anti vaccine'

Theo thống kê từ các bệnh viện, đa số các trường hợp mắc sởi phải nhập viện do các biến chứng nguy hiểm đều chưa tiêm vaccine phòng sởi. Điều đáng chú ý, trong số này có không ít phụ huynh thuộc nhóm "anti vaccine" (chống tiêm chủng) từ chối tiêm phòng sởi cho con em mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN