Nâng cao hiệu quả dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến cơ sở

Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, là một trong những cơ sở thực hiện tốt Thông tư 39/2017 của Bộ Y tế Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở.

Chú thích ảnh
Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện Trấn Yên, Yên Bái. 

Nổi bật nhất là việc Trung tâm đã đưa một số bệnh nhân bị bệnh mạn tính thường gặp không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản... về quản lý tại các trạm y tế xã, thị trấn. Nhờ đó, bệnh nhân tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, nhưng vẫn được nhận sự chăm sóc, khám, chữa bệnh và theo dõi điều trị thường xuyên.

Thông tư 39/2017 của Bộ Y tế là một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng cơ sở y tế tuyến huyện và xã, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời đảm bảo người dân được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế ngay tại tuyến cơ sở.

Ông Bạch Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trấn Yên cho biết, để cung cấp gói y tế cơ bản cho người dân, Trung tâm đã thực hiện bổ sung cơ sở vật chất; nâng cao tay nghề của đội ngũ bác sỹ, y sỹ, dược sỹ, nữ hộ sinh và điều dưỡng. Trung tâm cũng tổ chức tập huấn nhân rộng và ứng dụng phần mềm quản lý y tế cơ sở cho 100% trạm y tế xã; đào tạo, tuyên truyền giáo dục sức khỏe tới người dân; chú trọng hướng dẫn, nâng cao năng lực về quản lý bệnh, cách xử trí các bệnh và cấp cứu thường gặp.

Đối với 3 trạm y tế được Bộ Y tế chọn để xây dựng mô hình trạm y tế điểm là Trạm Y tế thị trấn Cổ Phúc, Trạm Y tế xã Báo Đáp và Trạm Y tế xã Việt Hồng, đến nay các trạm đều đã có đủ cơ cấu cán bộ theo quy định. Mỗi trạm có 1 bác sỹ, cán bộ y tế đã được đào tạo 100% theo Nguyên lý y học gia đình trong năm 2018 của Dự án Giáo dục và Đào tạo Nhân lực Y tế phục vụ cải cách Hệ thống y tế của Bộ Y tế (HPET).

Ngoài ra, 7/19 xã còn lại thiếu bác sỹ làm việc tại xã, Trung tâm y tế huyện Trấn Yên cũng đã xây dựng và thực hiện kế hoạch luân chuyển các bác sỹ của trung tâm về hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật 2 buổi/tuần. Qua đó, các trạm y tế được hỗ trợ đã thực hiện được 90% các dịch vụ kỹ thuật; trạm y tế không có bác sỹ thực hiện được 76% dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư.

Chú thích ảnh
Điều dưỡng phát thuốc cho bênh nhân điều trị bệnh tại Trung tâm y tế huyện Trấn Yên, Yên Bái. 

Anh Hoàng Anh Tuấn, trú tại xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên chia sẻ, mẹ anh bị bệnh đái đường nhiều năm, trước đây mỗi lần khám bệnh đều phải lên bệnh viện tuyến trên khám vì trạm y tế xã không đủ thiết bị và thuốc. Đi xa như vậy, anh và người thân trong gia đình phải thay nhau sắp xếp thời gian đưa mẹ anh đi. Từ ngày trạm y tế của xã được sửa sang và có thêm trang thiết bị, sau một thời gian đưa mẹ đến khám và điều trị, anh cũng yên tâm vì cán bộ y tế chăm sóc mẹ anh tận tình, việc khám và cấp thuốc được thực hiện như ở bệnh viện tuyến trên. Nhờ vậy, gia đình anh tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại vì nhà cách trạm y tế xã chỉ khoảng 2 cây số.

Thời gian tới, Trung tâm y tế huyện Trấn Yên tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã. Trung tâm sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các trạm y tế xã xây dựng danh mục thuốc, vật tư y tế, đề xuất đào tạo, tập huấn, bổ sung các điều kiện về cấp chứng chỉ hành nghề phù hợp để thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản mà Thông tư 39/2017 đã đề ra.

Tin, ảnh: Ngọc Anh (TTXVN)
Quản lý chi phí bệnh đái tháo đường từ tuyến y tế tuyến cơ sở
Quản lý chi phí bệnh đái tháo đường từ tuyến y tế tuyến cơ sở

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Hội thảo Quản lý chi phí bệnh đái tháo đường dưới góc nhìn kinh tế y tế. Các chuyên gia y tế, BHXH nhận định để quản lý chi phí đái tháo đường, quan trọng nhất phải từ tuyến y tế cơ sở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN