Nam quan hệ tình dục đồng giới - nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam 

Kết quả ước tính và dự báo những ca nhiễm mới, dựa trên mô hình dịch AIDS/mô hình dịch tại châu Á (Asian/AIDS Epidemic Model) cho thấy nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua.

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/8/2020, Việt Nam có trên 213.000 người nhiễm HIV còn sống và trên 107.800 người nhiễm HIV đã tử vong. Trung bình mỗi năm cả nước phát hiện thêm 11.000 ca nhiễm HIV và 2.800 người tử vong.

Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á

Đến năm 2019, thế giới có khoảng 38 triệu người đang sống chung với HIV và 690.000 người nhiễm HIV đã tử vong. Năm 2019, toàn thế giới có 1,7 triệu người nhiễm mới được phát hiện, trong đó tập trung chủ yếu nam giới 25-49 tuổi (38%) và nam giới 15-24 tuổi (12%). Dịch HIV phân bố nhiều nhất là ở miền Đông và miền Nam châu Phi.

Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tính đến năm 2019 có khoảng 5,8 triệu người đang chung sống với HIV và khoảng 160.000 người đã tử vong với các nguyên nhân liên quan đến AIDS. Năm 2019, khoảng 300.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện trên toàn khu vực, trong đó chủ yếu là nam giới từ 25 – 49 tuổi (chiếm 44%). Đối tượng mới được phát hiện nhiễm HIV chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) (chiếm 44%) và bạn tình của người nhiễm HIV (chiếm 21%).

Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/8/2020, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước có 213.008 người nhiễm HIV còn sống và 107.812 người nhiễm HIV đã tử vong. Trung bình, mỗi năm cả nước phát hiện thêm 11.000 ca nhiễm HIV và 2.800 người tử vong.

Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu ở đối tượng nam giới. Từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên từ năm 2016 tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại. Tỷ lệ nhiễm HIV trong số mới phát hiện tính đến ngày 31/8/2020 là 72,2%. Trong giai đoạn đầu của dịch, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước xét nghiệm, phát hiện mới 7.090 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.392 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi: 16-29 (45%) và 30-39 (31%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (76,4%) và qua đường máu (11,9%), mẹ sang con 1,1%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền.   

Theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV/AIDS của Việt Nam, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là khoảng 230.000 người, đứng thứ 3 so với các nước khu vực Đông Nam Á. Ước tính tỷ lệ nhiễm HIV của Việt Nam trên dân số trong độ tuổi từ 15-49 là 0,3%, đứng thứ 5 trong số các nước khu vực Đông Nam Á.

MSM là một trong những nhóm nguy cơ chính

Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay với tỷ lệ nhiễm HIV tăng rõ rệt; tỷ lệ nhiễm mới HIV cao, tăng lên từng năm. MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới. Kết quả ước tính và dự báo những ca nhiễm mới, dựa trên mô hình dịch AIDS/mô hình dịch tại châu Á (Asian/AIDS Epidemic Model) cho thấy MSM là nhóm nguy cơ cao duy nhất tại Việt Nam có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua.

Tại Việt Nam, ước tính số lượng MSM do Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Cơ quan điều phối về HIV/AIDS của Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho thấy có khoảng 178.000 người. Hiện, tỷ lệ hiện nhiễm HIV tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), từ 3,95% năm 2011 lên 5,1% năm 2015, 11,36% năm 2018 và 13,85% năm 2019. Tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM khác nhau ở các tỉnh, thành phố, nhưng thường tập trung ở các khu vực đô thị, các tỉnh, thành phố lớn hoặc các tỉnh du lịch như Cần Thơ (20,3%), Thành phố Hồ Chí Minh 13,8%, Bà Rịa-Vũng Tàu 16%, Khánh Hòa 14,6%, Hải Phòng 5,3%.

Theo nghiên cứu của Viện Y tế toàn cầu (Đại học Washington, Mỹ), ở 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam gồm Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa và Kiên Giang, từ năm 2017-2050 ước tính sẽ có khoảng trên 107.000 ca nhiễm HIV mới trong nhóm quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV. Tỷ lệ dùng bao cao su thường xuyên khi quan hệ tình dục đồng giới giảm mạnh từ 42% năm 2012 xuống còn 9,7% năm 2016.

Một nghiên cứu thuần tập trong nhóm MSM tại Hà Nội của trường Đại học Y Hà Nội mới đây cho thấy 11% trong 1.893 người tham gia nghiên cứu khảo sát đầu vào là người có HIV, 21% nhiễm giang mai, 23% nhiễm chlamydia và 13% nhiễm lậu. Trong số mẫu máu của 75 người nhiễm HIV,  27 (36%) mẫu được khẳng định là mới nhiễm HIV, hầu hết các ca mới nhiễm là ở nhóm trẻ hơn hoặc bằng 24 tuổi.

Truyền thông thay đổi hành vi  

Cục Phòng, chống HIV (Bộ Y tế) cho biết, truyền thông thay đổi hành vi là một trong những hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV đang được triển khai cho nhóm MSM trong những năm qua. Truyền thông thay đổi hành vi gồm truyền thông trực tiếp qua nhóm lớn, nhóm nhỏ, sự kiện, truyền thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) và các ứng dụng hẹn hò của nhóm MSM (Blued, Grind...) về nội dung HIV/AIDS gồm (PrEP, Xét nghiệm HIV, BCS...). Truyền thông đại chúng phổ biến kiến thức và truyền thông tạo cầu tạo điều kiện cho nhóm MSM tiếp cận thuận lợi các dịch vụ HIV/AIDS. Kết hợp truyền thông dịch vụ HIV/AIDS và truyền thông giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV ở nhóm MSM. 

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn và xét nghiệm HIV tại cộng đồng, cơ sở y tế bao gồm tự xét nghiệm, xét nghiệm tại cộng đồng thông qua các nhóm đồng đẳng và xét nghiệm tư vấn tại cơ sở y tế, tư vấn xét nghiệm HIV kết hợp các bệnh lây truyền qua đường tình dục STIs cũng được thực hiện. Cùng với truyền thông là cung cấp các vật dụng can thiệp bao cao su, chất bôi trơn cho các nhóm MSM thông qua hệ thống đồng đẳng viên, nhóm cộng đồng và cơ sở y tế. Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV kết hợp và sau phơi nhiễm PEP gồm cung cấp dịch vụ PrEP tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân cũng được thực hiện. Trong đó, các phòng khám tư nhân do cộng đồng MSM làm chủ tham gia cung cấp dịch vụ PrEP và phát triển các phòng khám thân thiện với MSM được triển khai hiệu quả, với hơn 13.000 người đã và đang sử dụng PrEP sau hai năm triển khai.

PV (TTXVN)
30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam
30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) thông tin về Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12. Năm 2020 là dịp kỷ niệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (1990-2020).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN