Ngày 22/9, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng, chống lao 8 tháng đầu năm và kế hoạch cuối năm 2021 do Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định: “Trong 6 tháng đầu năm 2021, tuy còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là việc phát hiện bệnh nhân lao đã giảm trên 18% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng tỷ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân vẫn ở mức rất cao, trên 85% đối với bệnh nhân lao thường”.
Tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao giảm mạnh
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, mặc dù vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch COVID-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng, chống dịch…) nhưng Chương trình Chống lao các tỉnh, thành phố trên toàn quốc vẫn nỗ lực hết sức để duy trì và đảm bảo công tác phát hiện, điều trị và quản lý bệnh lao; đồng thời đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống COVID-19 trên toàn quốc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết: “Ảnh hưởng của COVID-19 đối với đối với bệnh lao nói riêng và nhiều bệnh lý khác là rất lớn. Thế giới nhận định, COVID-19 đã đầy lùi thành quả của công tác chống lao 5 năm. “Có nghĩa là hình ảnh bệnh lao bây giờ tương đương với năm 2015. Đây là một thảm họa rất lớn”.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, số liệu phát hiện của Chương trình Chống lao quốc gia sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020. Với 51.802 bệnh nhân được phát hiện so với 63.676 bệnh nhân 8 tháng đầu năm 2020 (giảm 18,65%), trong khi 2020 đã giảm 11 %. Tỷ lệ phát hiện tất cả các bệnh nhân mới và tái phát 8 tháng đầu năm là 50,6/100.000 dân, chỉ đạt 42,9% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (117,9/100.000 dân), đặt ra nhiều khó khăn và thách thức cho quý IV năm 2021.
Bên cạnh đó, việc cung ứng thuốc chống lao, sinh phẩm xét nghiệm gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động nhận hàng (sinh phẩm, module, bộ hiệu chuẩn máy) đều chậm hơn so với dự kiến. Thuốc chống lao hàng 1 không đảm bảo số lượng dự trữ theo quy định dẫn tới rất nhiều khó khăn trong công tác phân phối và điều phối thuốc trong toàn tuyến.
Việc triển khai phân phối, lắp đặt máy Gene Xpert mới bị gián đoạn. Thiếu kinh phí cho tập huấn triển khai chương trình (lâm sàng) cho các điểm máy Gene Xpertmới ngoài Chương trình Chống lao quốc gia.
Công tác chống lao trong trại giam còn nhiều khó khăn như: thiếu nguồn nhân lực có chất lượng; chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị chẩn đoán và điều trị lao... Tỷ lệ bệnh lao, lao kháng đa thuốc, HIV trong trại giam cao, tuy nhiên các can thiệp phát hiện chủ động chưa được triển khai để đảm bảo an toàn cho khu vực trại giam trước tác động của dịch COVID-19. Việc này ảnh hưởng đến tình hình phát hiện chung của toàn quốc.
Tỷ lệ điều trị thành công đạt 92%
Theo đánh giá, Chương trình Chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.
Hiện nay, 48/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi. Chương trình tiếp tục triển khai phối hợp với các đối tác là các Bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế và các bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương, tuyến tỉnh; đồng thời tham mưu Bộ Y tế về cơ cấu tổ chức, hoạt động của 15 tỉnh không có bệnh viện chuyên khoa để đảm bảo nhân lực công tác chống lao.
Hiện cả nước có 14 tỉnh đã sáp nhập trong trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố; duy nhất tỉnh Phú Yên với mô hình “Trạm chuyên khoa lao Phú Yên” vẫn hoạt động độc lập, không sát nhập vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, để đảm bảo triển khai công tác phòng, chống lao tại địa phương.
Hiện tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới đạt 85,5%. Tỷ lệ điều trị thành công là 92%, đạt mục tiêu Chương trình Chống lao quốc gia đã đề ra là trên 90%. Một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Nam Định (95,2%), Kon Tum (96,4%) và đặc biệt là Hậu Giang (99,1%).
Đánh giá ảnh hưởng của COVID-19 với bệnh lao
Rà soát và đánh giá ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần thứ 4 đến hoạt động của Chương trình, đặc biệt là hoạt động phát hiện và điều trị ở các tỉnh, thành phố là một trong những nhiệm vụ của Chương trình Chống lao quốc gia trong thời gian tới.
Các đơn vị chuẩn bị sẵn các phương án triển khai hoạt động nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả các hoạt động tồn đọng của năm 2021 sau khi kết thúc làn sóng lần thứ 4, nhằm đạt được chỉ tiêu tối đa trong năm 2021.
Đồng thời xây dựng kế hoạch để củng cố và rà soát năng lực về hồi sức cấp cứu, phối hợp cùng với 49 bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi. Tổng hợp thực trạng và nhu cầu về ô xy tại tất cả các đơn vị trong hệ thống, đặc biệt là tại các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Đặc biệt, khuyến khích 100% bệnh nhân lao đang điều trị tiêm vaccine phòng COVID-19; đồng thời đảm bảo quá trình điều trị của bệnh nhân không bị ngắt quãng, cung cấp đủ thuốc chống lao cho 100% bệnh nhân lao đang điều trị (bao gồm cả bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc đang trong khu cách ly). Thực hiện giám sát việc uống thuốc đều đặn của bệnh nhân bằng nhiều hình thức phù hợp (gọi điện, nhắn tin, nhóm Zalo…); phối hợp với bác sĩ đang điều trị COVID-19 cho bệnh nhân về khả năng kết hợp điều trị.
Đẩy mạnh hoạt động sàng lọc chủ động tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế trong hệ thống sau khi kết thúc làn sóng thứ 4 của COVID-19: kết hợp với phát hiện lao tiềm ẩn, đẩy mạnh sử dụng xe X quang lưu động; hẹn bệnh nhân đến khám theo giờ, không quá 20-30 người/lần (tối đa 150 người/ngày), có thể kéo dài ngày thực hiện từng chiến dịch.
Chương trình khuyến khích lồng ghép sàng lọc lao bằng chiến lược 2X đối với những bệnh nhân đến cơ sở y tế sau khi sàng lọc COVID-19; tiếp tục duy trì Bệnh viện an toàn ứng phó COVID-19, an toàn người bệnh, an toàn cho nhân viên y tế thông qua thực hành các quy trình chuẩn về chuyên môn và quản lý; song song với tăng cường các công tác phòng chống lao tại các tuyến.