Không chủ quan, mất cảnh giác trước diễn biến mới của dịch COVID-19

Thống kê tuần từ 30/4 đến 6/5, Việt Nam ghi nhận 14.068 ca mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Cán bộ, nhân viên y tế Viện Quân y 4 kiểm tra trang thiết bị y tế như: bình oxy, máy thở, máy điện tim...sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.573.931 ca mắc; trong đó có 10.626.524 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 43.196 ca tử vong. Hiện có 141 bệnh nhân đang thở oxy. Đồng thời, đã có hơn 266 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm.

Thông tin từ các địa phương cho thấy, số ca nặng tập trung vào nhóm người có bệnh nền, người lớn tuổi. Theo phân tích của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 70% người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao (người trên 50 tuổi, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai), 90,5% người mắc các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư… Trong tổng số ca nhập viện có khoảng 20% chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Giảm thiểu thấp nhất nguy cơ lây COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, từ ngày 29/4-5/5, kết quả giải trình tự gen của 36 mẫu bệnh phẩm nhiễm virus SARS-CoV-2 cho thấy, 100% mẫu này đều thuộc chủng Omicron. 

Cộng dồn từ đầu tháng 4/2023 cho đến nay, thành phố đã tiến hành lấy 58 mẫu bệnh phẩm nhiễm virus SARS-CoV-2 (gồm: 40 mẫu bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, 18 mẫu cộng đồng) để tiến hành giải trình tự gen.

Kết quả cho thấy, 100% mẫu thuộc chủng Omicron; trong đó có 26 mẫu XBB.1.5 (chiếm tỷ lệ 44,8%), 11 mẫu XBB.1.9.1 (chiếm 19%), 10 mẫu XBB.1.11.1 (chiếm 17,2%), 4 mẫu XBL (chiếm 6,9%), 3 mẫu XBB.1.9.2 (chiếm 5,2%), 1 mẫu XBB.1.16 (chiếm 1,7%), 1 mẫu XBB.1.16 (chiếm 1,7%), 1 mẫu XBB.2.3 (chiếm 1,7%), 1 mẫu XBB.1.3.5 (chiếm 1,7%).

Sở Y tế Hà Nội cho biết: các biến chủng qua giải trình tự gen tại Hà Nội cũng tương đồng như thế giới. Hiện chưa có bằng chứng về sự gia tăng độc lực của các biến chủng mới. Các triệu chứng bệnh đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ.

Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ lây COVID-19 và các bệnh dịch khác trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế các ngành; Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế và trực thuộc trường đại học.

Trong văn bản, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc từng bước cải tạo, nâng cấp để bảo đảm thông thoáng và trao đổi khí tối đa trong phòng bệnh, phòng khám, phòng cách ly, phòng làm việc và tất cả các không gian kín khác; tăng cường các biện pháp thông khí tự nhiên hoặc cơ học; thực hiện cung cấp, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đúng quy định bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. 

Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh thực hiện các biện pháp sàng lọc, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện để kịp thời phát hiện, cách ly sớm các ca bệnh có nguy cơ lây nhiễm; tăng cường bảo vệ người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao như người bệnh nặng, thận nhân tạo, người cao tuổi, phụ nữ có thai...; tăng cường công tác đào tạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc tuân thủ các quy định, quy trình về phòng và kiểm soát lây COVID-19 cũng như các bệnh lây nhiễm khác của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh. 

Cần tăng tốc và có kế hoạch quản lý virus trong tương lai

Chú thích ảnh
Trong ảnh: Khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Ngày 3/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố chiến lược mới trong phòng, chống COVID-19, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát lâu dài đối với dịch bệnh này.

Chiến lược mới duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài. Trước đó, WHO cho rằng virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại nhưng thế giới đang dần bước ra khỏi giai đoạn khẩn cấp vì đại dịch. Theo WHO, tất cả các quốc gia cần học cách ứng phó với dịch bệnh này cùng với những dịch bệnh khác.

Trước vấn đề trên, Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng: Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế của COVID-19 là một tin luôn được đón chào. Đối với Việt Nam, đây là thời điểm để nhìn lại hoạt động ứng phó tổng thể vô cùng mạnh mẽ của đất nước đối với virus này, nhưng đồng thời, điều quan trọng là phải hiểu rằng đây không phải là lúc chúng ta mất cảnh giác. COVID-19 sẽ tiếp tục là một mối đe dọa. Công bố của ngày hôm nay thực sự là công bố về sự cần thiết phải tăng tốc và lập kế hoạch quản lý virus trong dài hạn.

Phân tích về các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 thời gian tới, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện Y tế công cộng cho biết: Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 của WHO đã đưa ra những bằng chứng rằng COVID-19 đã giảm rủi ro đối với sức khỏe con người chủ yếu là nhờ khả năng miễn dịch từ nhiễm bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu ngày càng cao. Cùng đó, độc lực của virus gây bệnh cũng có sự ổn định tương đối, kể cả với các biến thể phụ đang lưu hành của Omicron và các biến thể phụ trước đó. Dù virus SARS-CoV-2 có tiếp tục tiến hóa với các biến thể nhưng nó không liên quan đến mức độ nghiêm trọng và không gây ra yếu tố bất ngờ.

Ngoài ra, tỷ lệ nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước. Đặc biệt là sự cải thiện tình trạng bệnh của ca lâm sàng, cải thiện việc quản lý ca bệnh lâm sàng… Những yếu tố này đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19. Đây là cơ sở để tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

"Tuy vậy, tôi cho rằng dù WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ rơi, không hành động gì. Hiện, số ca mắc mới COVID-19 ở Việt Nam đang tăng trở lại, kéo theo số trường hợp nhập viện và tử vong tăng. Tuy vậy, tình hình dịch vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Vấn đề quan trọng là Việt Nam không nên chủ quan, mất cảnh giác" - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu nêu rõ.

Tuân thủ tiêm vaccine theo đúng khuyến cáo

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế quận Hai Bà Trưng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại điểm tiêm Nhà hộ sinh B (quận Hai Bà Trưng) ngày 24/4/2023. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Liên quan đến công tác tiêm chủng, trong Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm 2023 (từ ngày 24 - 30/4), Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) khuyến khích các nỗ lực tại Việt Nam nhằm đảo ngược tình trạng sụt giảm đáng kể tỷ lệ tiêm chủng các mũi vaccine thiết yếu khiến nhiều trẻ em không được bảo vệ trước các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Theo WHO, Việt Nam được công nhận trên toàn cầu là đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 liều cơ bản một cách nhanh chóng và an toàn trên quy mô lớn. Việt Nam đã đảm bảo vaccine đến được khắp mọi nơi trên toàn quốc để bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, chính trong giai đoạn thử thách này đã xảy ra những trở ngại đáng kể đối với việc bao phủ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em, do các dịch vụ y tế bị gián đoạn, các trung tâm y tế phải đóng cửa, các gia đình thực hiện giãn cách xã hội, và việc xuất nhập khẩu vaccine, bơm kim tiêm cũng như các vật tư y tế khác cho tiêm chủng định kỳ bị gián đoạn...

Trước diễn biến của dịch COVID-19 trong thời gian gần đây, Bộ Y tế đã có khuyến cáo các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này trước diễn biến tăng về số ca mắc.

Theo nhiều chuyên gia y tế, những đối tượng nguy cơ cao dễ bị tổn thương là người già, người bệnh nền, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch cần tuân thủ tiêm vaccine theo khuyến cáo đủ liều, đúng lịch bởi đây là nhóm đối tượng khi nhiễm dễ chuyển nặng, làm tăng số bệnh nhân cần điều trị tại cơ sở y tế, có thể dẫn đến quá tải hệ thống y tế và tăng tỉ lệ tử vong. Đồng thời, tất cà mọi người cần nghiêm túc thực hiện 2K theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác.

* Bảo đảm phòng, chống dịch trước mùa du lịch

Để chủ động ứng phó với các tình huống có thể phát sinh sau kỳ nghỉ lễ, ngành Y tế các tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, Theo đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các bệnh viện chủ động rà soát các nguồn lực, khôi phục lại hoạt động của đơn vị/khoa điều trị COVID-19 theo nguyên tắc 4 tại chỗ; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị người mắc COVID-19 khi dịch bệnh có thể xảy ra diễn biến phức tạp. 

Nghệ An đang bước vào mùa du lịch năm 2023. Tỉnh yêu cầu, Sở Du lịch hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của nhân viên, người lao động và khách du lịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ để phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế kịp thời triển khai các biện pháp xử lý, can thiệp phù hợp. Cùng với một số giải pháp trong phòng, chống dịch, các địa phương đã có kế hoạch kiện toàn Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các cấp. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp cũng rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị để chủ động phương án triển khai các biện pháp phòng, chống dịch...

Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong và sau dịp nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương và dịp lễ 30/4-1/5, không để dịch bùng phát. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao; có phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn trước, trong và sau thời gian nghỉ lễ; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại tất cả các tuyến, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể.

Các địa phương cũng cần tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến xe, chợ, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.

TTXVN/Báo Tin tức
Ngày 6/5 ghi nhận trên 2.800 ca mắc COVID-19
Ngày 6/5 ghi nhận trên 2.800 ca mắc COVID-19

Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 6/5/2023 của Bộ Y tế cho biết, có 2.804 ca mắc mới COVID-19, 686 ca khỏi bệnh, không có F0 tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN