Hiện nay không ít người vẫn lầm tưởng thuốc kháng sinh có thể chữa được mọi bệnh tật, hoặc mang tâm lý cứ sốt là dùng kháng sinh. Điều này vô cùng nguy hiểm, dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi và hậu quả là vi khuẩn kháng kháng sinh.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai), thuốc kháng sinh chỉ sử dụng trong điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra và không có tác dụng điều trị các bệnh do vi rút. Trong khi đó, trên thực tế, các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp trên có đến 70 - 85% là do vi rút, chỉ 10 - 15% là do vi khuẩn. Nghĩa là cứ 10 trẻ viêm họng thì 7 - 8 trường hợp không phải dùng kháng sinh mà chỉ điều trị triệu chứng như: Ho thì dùng thuốc ho, thuốc long đờm; nghẹt mũi, sổ mũi thì dùng nước muối biển làm sạch, thuốc làm co mạch hoặc kháng histamin... Dùng kháng sinh trong các trường hợp này chỉ gây mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa do tác dụng phụ của kháng sinh.
Đặc biệt, trong trường hợp nhiễm khuẩn phải sử dụng kháng sinh, người bệnh cũng phải tuân thủ điều trị, uống đủ liều, không bỏ dở điều trị giữa chừng. Điều này rất nguy hiểm bởi khi uống thuốc, vi khuẩn đang bị yếu dần đi (chưa chết hẳn), lúc này ngừng thuốc, vi khuẩn không bị tiêu diệt, sống lại và dần có sức đề kháng với chính loại kháng sinh đang uống, từ đó gây nên tình trạng kháng thuốc, lần sau nếu người bệnh bị nhiễm vi khuẩn đó thuốc sẽ không còn tác dụng.
Phân biệt các bệnh do vi rút và vi khuẩn:
Các bệnh thông thường do vi khuẩn gây ra như: Viêm họng do liên cầu khuẩn, nhiễm trùng tiết niệu... phải sử dụng kháng sinh để điều trị.
Các bệnh như: Viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản... có thể do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra, có thể sử dụng kháng sinh để điều trị trong trường hợp được xác định là nhiễm khuẩn.
Các bệnh cảm lạnh, cúm... là do vi rút gây ra nên không cần sử dụng kháng sinh.