Công tác vận động có nhiều khởi sắc Trước nhu cầu nguồn máu phục vụ cấp cứu và điều trị ngày càng trở nên cấp thiết, quyết định sự sống còn của bệnh nhân cần máu trên cả nước, ngày 26/2/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 235/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.
Các tình nguyện viên hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng lần thứ XI năm 2018 do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội và Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Nhìn lại 10 năm trở lại đây (2008 - 2017), phong trào hiến máu tình nguyện trong cả nước đã có những thay đổi rõ rệt, số đơn vị máu tiếp nhận tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước và đạt chỉ tiêu đề ra, với mức tăng trung bình hàng năm là 8,5%. Đến năm 2012 tăng gấp gần 2 lần và đến năm 2017 tăng hơn gần 3 lần so với năm 2008.
Nếu năm 2008, cả nước vận động tiếp nhận được hơn 518.000 đơn vị máu thì năm 2017 vận động tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị. Trong giai đoạn 2008 - 2017 cả nước đã tiếp nhận được gần 10,2 triệu đơn vị máu. Đồng thời, số đơn vị máu của người hiến máu tình nguyện ngày càng chiếm ưu thế, số đơn vị máu của người hiến máu lấy tiền và người nhà cho máu ngày càng giảm mạnh... Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng từ 72% (năm 2008) lên 98% (năm 2017). Hơn 10,2 triệu đơn vị máu được tiếp nhận từ năm 2008 - 2017 đã căn bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh.
Hàng loạt các sự kiện, chiến dịch hiến máu tình nguyện được tổ chức chuyên nghiệp, quy mô và bài bản như: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và tổ chức Lễ hội Xuân hồng; sự kiện hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4; Chiến dịch “Những giọt máu hồng” hè và “Hành trình Đỏ”, “Chủ nhật đỏ”… đã căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh, hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống.
Công tác phát triển lực lượng và nguồn người hiến máu tình nguyện đã được Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện và Hội Chữ thập đỏ các cấp chú trọng quan tâm. Tính đến năm 2017 trên cả nước có hơn 3.300 câu lạc bộ hiến máu với 135.000 thành viên (tăng gần 5 lần về số câu lạc bộ và 6 lần số thành viên so với năm 2008).
Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị “Ngân hàng máu sống” ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng được quan tâm và triển khai có hiệu quả, đảm bảo luôn có lượng máu cần thiết vào bất cứ thời điểm nào cho các ca cấp cứu. Hoạt động tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công tác hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện cũng được triển khai thường xuyên, ấn tượng trong các cấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta mặc dù khởi đầu muộn hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên hiện đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Vẫn còn nhiều khó khăn Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, xuất phát từ sự hiểu biết, trách nhiệm và lòng nhân ái của mỗi người đối với cộng đồng. Không phải ai cũng hiểu được ranh giới mong manh khi đang ở giữa sự sống và cái chết. Nếu không có những giọt máu đào được sẻ chia từ những con người có tấm lòng nhân ái thì chắc chắn tính mạng của người bệnh sẽ không còn. Tuy nhiên, việc vận động nhiều người tham gia hiến máu tình nguyện đôi khi là trăn trở của những người làm công tác vận động.
18 năm qua, gia đình ông Lê Đình Duật, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã hiến được 515 đơn vị máu an toàn và vận động động được 555 lượt người hiến máu. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Ông Lê Đình Duật, Thanh Xuân, Hà Nội, là người đã vận động được rất nhiều người tham gia hiến máu tình nguyện. Ông cũng vận động cả gia đình mình cùng tham gia hiến máu. Chia sẻ về công tác vận động hiến máu tình nguyện, ông cho biết khoảng 5, 6 năm đầu, việc vận động hiến máu rất khó khăn, do nhận thức của mọi người về hiến máu còn hạn chế, nhiều người khi vừa nghe đã phản đối ngay.
Để thuyết phục được mọi người, ông Duật đã đi nhiều nơi để xin các tờ rơi tuyên truyền, các văn bản, quy trình của việc hiến máu… rồi đến phát cho mọi người, dành thời gian tâm sự với họ và lấy ví dụ về việc cả gia đình ông đều tham gia hiến máu nhưng chẳng ai bị ốm đau. Dù năm nay đã 75 tuổi, ông Duật luôn xác định sẽ tiếp tục tham gia vận động hiến máu cho đến khi nào không thể làm được nữa thì thôi.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Đăk Lăk Nguyễn Thị Thi Thảo cho rằng, để công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện phát triển, người làm công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện không chỉ có lòng nhiệt tình, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao, bền bỉ và kiên trì, mà phải được trang bị những kiến thức chuyên môn về máu, an toàn truyền máu, được rèn luyện những kỹ năng vận động quần chúng, công tác xã hội nhằm xóa đi nhận thức sai lệch của một bộ phận trong xã hội chưa hiểu được tầm quan trọng của việc hiến máu và sợ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi cho máu, sợ lây bệnh...