Hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa, lắng nghe người bệnh

Vấn đề an toàn cho người bệnh là nhiệm vụ hàng đầu, hết sức quan trọng trong quản lý chất lượng bệnh viện hiện nay; các bệnh viện phải lắng nghe tâm tư người bệnh.

Chú thích ảnh
Lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày An toàn người bệnh Thế giới 2023" do Bộ Y tế tổ chức.

Tại Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2023” do Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức ngày 15/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Vấn đề an toàn người bệnh luôn được ngành y tế và người dân quan tâm hàng đầu. Nhận biết được vai trò trung tâm của người bệnh, người nhà người bệnh và những người chăm sóc người bệnh trong việc bảo đảm an toàn khám chữa bệnh, Ngày An toàn người bệnh Thế giới năm 2023 đã chọn chủ đề là “Người bệnh tham gia để bảo đảm khám chữa bệnh an toàn”. Khi người bệnh được tham gia, hiểu biết về quá trình sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy an tâm và hoạt động khám chữa bệnh vì thế cũng được an toàn hơn”.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hình thức “Lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh”, từ xây dựng các kênh thu thập ý kiến người bệnh như: Đường dây nóng bệnh viện, hộp thư góp ý, hội đồng người bệnh... đến thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và quy định. Đơn cử như việc triển khai các đường dây nóng kết nối trực tiếp đến Bộ Y tế, tổ chức tiếp công dân trực tiếp do các Thứ trưởng, Vụ trưởng, Cục trưởng thường trực; thực hiện khảo sát hài lòng người bệnh thường quy, tiếp thu phản ánh của cơ quan báo chí truyền thông… để giải quyết những vướng mắc, phản ánh của người bệnh, người dân.

Theo đó, vấn đề an toàn người bệnh là phòng ngừa tổn hại cho người bệnh, hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa. Bộ Y tế đã thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn và quy định để các bệnh viện nghiêm túc triển khai như tại: Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 có quy định quyền được khám bệnh, chữa bệnh;phòng ngừa sự cố y khoa tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh… Thông tư quy định về nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện; Thông tư số hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; ban hành Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện, hướng đến người bệnh; Đề án “Xác định phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công”…

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng khẳng định: “An toàn người bệnh là nhiệm vụ hàng đầu, hết sức quan trọng trong quản lý chất lượng bệnh viện hiện nay. Trách nhiệm của lãnh đạo các bệnh viện là lắng nghe tiếng nói của người bệnh. Để nâng cao hơn nữa vấn đề an toàn cho người bệnh, chúng ta cần tập trung các nguồn lực để quan tâm chỉ đạo các bệnh viện, xây dựng mạng lưới quản lý chất lượng, an toàn người bệnh; đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn và tư vấn giải quyết khói khăn trong quá trình thực hiện. Song song với đó là khâu kiểm tra, giám sát cần được tăng cường đi cùng với cơ chế thi đua khen thưởng để đạt hiệu quả cao trong việc đảm bảo an toàn, lấy người bệnh làm trung tâm”.

Tổ chức Y tế thế giới đã thống nhất chọn  ngày 17/9 hàng năm là Ngày An toàn người bệnh thế giới; với mục tiêu nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng, nâng cao hiểu biết trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh.
Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh Thế giới lần thứ nhất 
Mít tinh hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh Thế giới lần thứ nhất 

Ngày 17/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày An toàn người bệnh Thế giới lần thứ nhất 17/9/2019”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN