Hà Nội: Phát triển y học cổ truyền để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Xác định phát triển y học cổ truyền là hướng đến lợi ích của nhân dân, vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thành phố Hà Nội đã đặc biệt quan tâm trồng và phát triển cây thuốc y học cổ truyền cũng như đưa thầy thuốc y học cổ truyền về trạm y tế.

Chú thích ảnh
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Hà Nội đặc biệt quan tâm đưa bác sĩ y học cổ truyền về các trạm y tế. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN

Phát triển cây thuốc nam

Với phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn”, “Khi đói làm rau, khi đau làm thuốc”, trong những năm qua, Hội Đông y Hà Nội đã tích cực vận động hội viên khảo sát, sưu tầm các cây thuốc và trồng cây thuốc trong vườn nhà. Đến nay, toàn thành phố đã có 720 vườn thuốc với diện tích 52.600m2.

Các vườn thuốc có từ 149 loại cây thuốc trở lên đã khá phổ biến. Những vườn thuốc tư nhân có diện tích trung bình từ 10 - 100m2 mỗi vườn. Những “Tủ thuốc gia đình” không chỉ đáp ứng nguồn thuốc tại chỗ mà còn là nơi di thực và bảo tồn những cây thuốc quý trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ở nhiều nơi, sử dụng cây thuốc nam đã trở thành thói quen của người dân. Bà Đỗ Thị Lan ở thôn Hạnh Côn, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) cho biết, bản thân mắc nhiều bệnh, cứ thấy mệt mỏi, đau trong người là bà đến trạm y tế của xã. Ở đây bà được nhân viên y tế tư vấn dùng nhiều loại cây thuốc nam để chữa bệnh. Sau khi sử dụng thuốc nam thường xuyên bà thấy các bệnh thông thường cũng đỡ nhiều.

Để phát triển vườn thuốc nam, Sở Y tế đã tổ chức khảo sát thực trạng nguồn dược liệu tại huyện Ba Vì, huyện miền núi của thành phố vừa được công nhận làng nghề truyền thống về y học cổ truyền. Từ đó, đề ra giải pháp bảo tồn và phát triển cây thuốc nam và thực hiện Quyết định 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, tổ chức tập huấn các phương pháp bào chế dược liệu cơ bản, các văn bản, quy phạm pháp luật về y dược cổ truyền cho cán bộ trạm y tế, hội đông y của các xã huyện Ba Vì.

Sở Y tế Hà Nội tiếp tục hướng dẫn các đơn vị duy trì vườn thuốc nam mẫu tại trạm y tế phục vụ công tác tuyên truyền cho nhân dân về trồng và sử dụng thuốc nam tại cộng đồng; phối hợp với Hội Đông y thành phố thực hiện chương trình khôi phục vườn thuốc nam và đưa y học cổ truyền vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng có hiệu quả; quan tâm sản xuất thuốc thành phẩm, nâng cao chất lượng thuốc trong chế biến, thu hái, bảo quản.

Sở Y tế Hà Nội cũng tiến hành họp với các sở, ngành có liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc... bàn và đưa ra giải pháp phát triển nguồn dược liệu tại địa phương.

Bước đầu đã điều tra vùng nuôi trồng, thu hái trên địa bàn các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Chương Mỹ...; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có kế hoạch liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân nuôi trồng dược liệu.

Hàng năm, Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý việc sử dụng và phát triển nguồn dược liệu tại các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành Y tế. Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển, trồng mới nhiều vườn thuốc nam tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tăng thêm số vườn thuốc nam gia đình, đặc biệt là phát triển vườn thuốc nam tại các trạm y tế. Qua đó, không chỉ giới thiệu về cây thuốc nam và cách sử dụng mà còn có khuyến khích người dân nhân giống các loại cây này trong vườn nhà mình để sử dụng khi cần.

Đưa đội ngũ thầy thuốc đông y vào trạm y tế

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm - Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hội Đông y thành phố Hà Nội phải làm nòng cốt trong việc phát triển, đưa đội ngũ thầy thuốc đông y (bao gồm cả lương y và y sĩ y học cổ truyền) vào trạm y tế để phối hợp chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn, tiến tới đạt chuẩn quốc gia về các trạm y tế. Trong đó, trọng tâm đó là sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trong việc đưa các thầy thuốc đông y về trạm được hoạt động thuận lợi.

Đề án xây dựng mô hình hợp tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền chăm sóc sức khỏe nhân dân tuyến y tế cơ sở thành phố Hà Nội đang được xây dựng theo phương thức hợp tác công lập - ngoài công lập, hướng tới chấn chỉnh, cải thiện, nâng cao năng lực y tế công lập tuyến cơ sở, hình thành một hệ thống y học cổ truyền hợp tác công lập - ngoài công lập, bao gồm các Phòng chẩn trị y học cổ truyền đặt tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Các Phòng chẩn trị này cùng với trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện một số nhiệm vụ trong Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Cùng với đó, truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng về ăn uống vệ sinh, khoa học, chuyển dần từ thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ sang thực phẩm an toàn; giữ gìn môi trường sống; thực hiện "tâm tĩnh - thân động", kết hợp hoạt động thường ngày với tập luyện các bài tập dưỡng sinh phù hợp.

Đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thực hiện các dịch vụ đáp ứng yêu cầu của cộng đồng về an toàn thực phẩm, tập luyện dưỡng sinh; dịch vụ y dược cổ truyền, vật lý trị liệu tại chỗ cho các đối tượng có bệnh thuộc nhóm mãn tính không lây và suy nhược cơ thể.

Về nguồn nhân lực, trạm y tế xã, phường, thị trấn cử người tham gia Phòng chẩn trị y học cổ truyền; Hội cử lương y, bác sĩ, y sĩ y học cổ truyền, người có chứng chỉ hành nghề tham gia phòng chẩn trị.

Phòng chẩn trị tự tổ chức nhân lực, trạm y tế xã, phường, thị trấn giúp tìm nguồn, đồng thời thực hiện chức năng giám sát bảo đảm những yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ… hướng đến mục đích đưa cán bộ y học cổ truyền hoạt động hiệu quả tại các trạm y tế.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung, việc kết hợp hài hòa giữa đông y và tây y trong hoạt động khám, chữa bệnh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, động viên những người làm nghề y dược cổ truyền dân tộc cống hiến tài năng, kinh nghiệm vào công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

Đây cũng là cơ hội để tuyên truyền, hướng dẫn các trạm y tế và người dân chủ động tổ chức trồng và nhân giống nhiều loại dược liệu để phát triển vườn thuốc nam, bảo tồn những cây thuốc quý.

Tuyết Mai (TTXVN)
Y học cổ truyền Việt Nam trước xu hướng hiện đại hóa: Bài 1 - Phát triển chưa xứng tầm
Y học cổ truyền Việt Nam trước xu hướng hiện đại hóa: Bài 1 - Phát triển chưa xứng tầm

Mặc dù có lịch sử phát triển hàng ngàn năm, trở thành nét văn hóa thân thuộc, gần gũi của người dân Việt Nam nhưng đến nay, nền y học cổ truyền của nước ta vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có. Nguyên nhân được cho là vẫn còn “độ vênh” giữa chính sách và thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN