'Gỡ khó' cho tự chủ bệnh viện: Góc nhìn từ TP Hồ Chí Minh​

Sau nhiều năm chuyển đổi từ cơ chế ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên, chi ngân sách của TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực y tế đã giảm từ 7% (năm 2016) xuống còn 2% (năm 2020).

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: PV

Một số bệnh viện đã phát triển tốt cả về chuyên môn, kỹ thuật lẫn chất lượng phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện gặp khó khăn khi phải tự chủ tài chính. Vì vậy, về lâu dài, cần có những chính sách gỡ khó giúp các đơn vị tồn tại, phát triển. Đây là nhận định của ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về cơ chế tự chủ tài chính bệnh viện hiện nay.

Thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến nay, 45/50 bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên. Trong quá trình tự chủ tài chính, nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng khó khăn, nhất là các bệnh viện đa khoa. Nguyên nhân là do tỷ trọng nguồn thu từ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các bệnh viện này quá cao. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, các bệnh viện đa khoa có tỷ trọng nguồn thu từ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chiếm trên 70%, nguồn thu từ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ chiếm tỷ trọng dưới 30%. Các bệnh viện chuyên khoa có tỷ trọng ngược lại và ít lệ thuộc nhiều vào khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Do đó, khi cơ chế thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa ổn định như hiện nay, các bệnh viện đa khoa phải chịu nhiều tác động.

Bên cạnh đó, trong khi một số bệnh viện chuyên khoa có số dư quỹ phát triển sự nghiệp (từ nguồn chệnh lệch thu - chi theo quy định) ngày càng lớn, các bệnh viện đa khoa gặp rất nhiều khó khăn trong việc trích lập quỹ này. Thậm chí, một số bệnh viện không có nguồn để trích lập, khó khăn trong phát triển bệnh viện như: sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, đào tạo nhân viên... Chênh lệch thu - chi của bệnh viện đã quyết định đến thu nhập tăng thêm của nhân viên y tế; trong đó, các bệnh viện đa khoa thường có mức thu nhập tăng thêm bình quân thấp hơn các bệnh viện chuyên khoa. Điều này khiến cho tần suất nghỉ việc của nhân viên tại bệnh viện đa khoa cao gấp 2 lần so với các bệnh viện chuyên khoa (8% so với 4%).

Phân tích nguyên nhân, ông Tăng Chí Thượng cho rằng, giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện chỉ mới kết cấu 2 trong 4 yếu tố là chi phí tiền lương và các chi phí trực tiếp (như: thuốc, hóa chất, vật tư, điện, nước, xử lý rác thải, nước thải), còn các chi phí khác vẫn chưa được kết cấu vào giá (như: chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí duy tu sửa chữa tài sản, chi phí công nghệ thông tin; chi phí quản lý, chi phí đào tạo…). Để ổn định nguồn thu chính đáng cho các bệnh viện, cần sớm điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ. Bởi vì đây chính là trở ngại dễ thấy và ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động của các bệnh viện trong nhiều năm qua khi chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính.

Theo ông Tăng Chí Thượng, hiện nay, trên thế giới có 4 mô hình quản trị bệnh viện, bao gồm: mô hình bệnh viện nhà nước, hoạt động dựa vào ngân sách cấp; mô hình bệnh viện tự chủ; mô hình bệnh viện doanh nghiệp và mô hình bệnh viện tư nhân. Trong đó, mô hình bệnh viện tự chủ đang được nhiều nước quan tâm và áp dụng do các lợi ích mang lại cho cả người bệnh và bệnh viện. Hai yếu tố quan trọng mang tính quyết định cho sự thành công khi chuyển đổi các bệnh viện công lập sang mô hình tự chủ chính là điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ và thay đổi cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng.

Trong quá trình hoạt động theo mô hình tự chủ, giám đốc các bệnh viện sẽ gặp khó khăn khi ra các quyết định liên quan đến sử dụng nguồn lực của đơn vị nếu thiếu sự tư vấn, thảo luận của các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đầu tư… Như vậy, nếu chuyển sang mô hình quản lý mới (tự chủ tài chính) mà vẫn giữ cấu trúc bộ máy quản lý cũ (hoạt động theo kế hoạch và ngân sách được giao), bệnh viện luôn trong tình trạng có nhiều nguy cơ và rủi ro. Kinh nghiệm của một số nước trong giải quyết trở ngại này là chuyển đổi mô hình quản lý bệnh viện kiểu cũ sang mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp. Cụ thể, tại Cộng hòa Síp, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới, quốc gia này đã chuyển đổi cấu trúc quản lý bệnh viện kiểu cũ sang mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp. Theo đó, Hội đồng quản trị là hội đồng cao nhất, ngoài Chủ tịch và Phó Chủ tịch, Hội đồng quản trị còn bao gồm các thành viên Chính phủ đại diện của các Bộ (Sở) Tài chính, Bộ (Sở) Y tế, đại diện chính quyền địa phương, đại diện người bệnh (hội đồng người bệnh) và các Giám đốc và Phó Giám đốc chuyên môn của bệnh viện. Dưới Hội đồng quản trị là Ban điều hành bệnh viện bao gồm các Giám đốc, Phó giám đốc và các trưởng phòng chức năng như hiện nay.

Trong bối cảnh chưa thể chuyển đổi cấu trúc quản lý của các bệnh viện tương thích với mô hình tự chủ tài chính như kinh nghiệm của các nước, ông Tăng Chí Thượng đề xuất, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nên thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện. Hội đồng này chịu trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính; đồng thời, tham mưu UBND Thành phố các giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động của các bệnh viện.

Đinh Hằng (TTXVN)
Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn?
Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn?

“Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn”, lời giải cho vấn đề này đã được đưa ra tại Tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 14/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN