Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trương Lâm/TTXVN phát |
Dự án với sự tài trợ của Cơ quan giảm thiểu thảm họa quốc phòng Hoa Kỳ (DTRA) thông qua Trung tâm nghiên cứu Y khoa Hải quân Hoa Kỳ (NMRC) trị giá trên 3,1 triệu USD.
Khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Việt Nam là đất nước nhiệt đới với nhiều bệnh truyền nhiễm còn lưu hành và đã có một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từng xuất hiện như bệnh SARS, cúm các loại, tả, sốt rét...
Bệnh Rickettsia khá phổ biến ở nước ta song chưa có một nghiên cứu căn bản về tỷ lệ mắc, tỷ lệ lưu hành, các yếu tố nguy cơ... để giúp chẩn đoán sớm và nâng cao chất lượng điều trị. Do đó, việc triển khai Dự án ở 26 tỉnh thành tại 8 vùng sinh thái sẽ giúp có những đánh giá tổng quan, đưa ra những giải pháp hiệu quả giúp phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh và nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật cho đội ngũ y bác sỹ tại các bệnh viện.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định, là bệnh viện đầu ngành về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có kinh nghiệm trong việc triển khai các nghiên cứu trong nước và quốc tế liên quan đến bệnh truyền nhiễm. Bệnh viện là cơ sở tiếp nhận, điều trị hiệu quả nhiều bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới gây dịch và nguy hiểm như: SARS, cúm gia cầm, tả, sốt xuất huyết, sởi… Bệnh viện là một trong những trung tâm nghiên cứu, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế có uy tín trong ngành Y tế. Với thế mạnh về cơ sở vật chất, đặc biệt là Hệ thống labo xét nghiệm hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế, cùng các bác sỹ, chuyên gia trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới, có đủ năng lực hợp tác quốc tế, nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới.
Năm 2016, Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thông qua Chương trình hợp tác sinh học CBEP đã ký một Bản ghi nhớ hợp tác về Chương trình Giảm thiểu Đe dọa Sinh học. Trong đó, nội dung quan trọng hợp tác về nâng cao năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán và báo cáo ca bệnh các tác nhân sinh học gây bệnh do con người tạo ra hoặc tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Với sự hỗ trợ và hợp tác của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thông qua Cơ quan giảm thiểu thảm họa quốc phòng Hoa Kỳ; Trung tâm nghiên cứu Y khoa Hải quân Hoa Kỳ; Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Đại học Y Hà Nội; Viện Sốt Rét - Ký Sinh Trùng - Côn Trùng Trung Ương; Viện SốtRét - Ký Sinh Trùng - Côn Trùng Quy Nhơn; Trường Đại học Khoa học tự nhiên; Trung tâm Thú y và Trung tâm Y tế dự phòng ở các tỉnh thành, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiến hành dự án “Nghiên cứu điều tra bệnh Rickettsia, sốt mò và sốt Q tại bệnh viện và cộng đồng trên toàn quốc” nhằm xác định tỷ lệ lưu hành và sự phân bố các bệnh trên ở 27 bệnh viện tại 26 tỉnh thuộc 8 vùng sinh thái khác nhau trên cả nước. Trong vòng 2 năm, Dự án xác định được 80 điểm nóng về bệnh Rickettsia, sốt mò và sốt Q tại 8 vùng sinh thái (10 điểm nóng/vùng sinh thái). Trong 2 năm tiếp theo, một nghiên cứu tại cộng đồng sẽ được thực hiện tại các khu vực trên nhằm xác định sự tồn tại, lưu hành và phân bố các tác nhân gây bệnh ở người, động vật gây hại, vật nuôi và động vật chân đốt; xây dựng bản đồ nguy cơ và mô hình ổ sinh thái để dự đoán các vùng nguy cơ ở các địa điểm không được đánh giá tại Việt Nam.
Hiểu biết được sự lưu hành và phân bố của các tác nhân gây bệnh Rickettsia, sốt mò và sốt Q tại các vùng sinh thái khác nhau, xác định các yếu tố sinh thái gắn liền với sự lưu hành của chúng là điều cần thiết để đưa ra các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các bệnh này tại Việt Nam.
Bệnh Rickettsia là một trong những bệnh lây truyền qua côn trùng, tiết túc do các vi khuẩn ký sinh nội bào thuộc họ Rickettsiaceae gây nên. Đây là bệnh sốt cấp tính lưu hành và gây thành dịch ở nhiều nơi trên thế giới. Một số tác nhân trong nhóm bệnh này như Rickettsia prowazekii (gây bệnh sốt phát ban do chấy rận) và Coxiella burnetii (gây bệnh sốt Q) có thể được sử dụng làm vũ khí sinh học nguy hiểm. Tại Việt Nam, một số tác giả quan tâm nghiên cứu đến bệnh sốt mò do vi khuẩn O.tsutsugamushi gây ra tuy nhiên vẫn chưa có một nghiên cứu nào đề cập một cách đầy đủ và toàn diện về các bệnh khác do Rickettsia gây ra; chưa biết về sự tồn tại, lưu hành, phân bố cũng như vector lây truyền bệnh, bệnh cảnh lâm sàng, biến đổi cận lâm sàng của các loài Rickettsia khác ở Việt Nam.